Dệt may nhỏ: 'Chết' gần hết

Dệt may nhỏ: 'Chết' gần hết
TP - Trong khi các đại gia của ngành dệt may trong nước vẫn đủ sức vượt khó khăn thì các DN vừa và nhỏ đang điêu đứng và nhiều DN buộc phải đóng cửa.

> Xuất khẩu dệt may vượt 10 tỷ USD

Nhiều DN dệt may vừa và nhỏ VN phải đóng cửa hàng loạt hoặc sản xuất cầm chừng. Ảnh: Đại Dương
Nhiều DN dệt may vừa và nhỏ VN phải đóng cửa hàng loạt hoặc sản xuất cầm chừng. Ảnh: Đại Dương.

Cá lớn sống nhờ cá bé

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) mới đây cho biết, trong 8 tháng qua, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng, cũng như đơn hàng giảm nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn đạt trên 10,8 tỷ USD, tăng trên 6%.

Một số thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản vẫn có mức tăng trưởng: xuất khẩu sang Mỹ tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sang Nhật Bản tăng trên 23%, sang Hàn Quốc tăng trên 19%. Chỉ riêng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU là giảm gần 4%.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự kiến doanh thu xuất khẩu và nội địa 9 tháng năm 2012 của Vinatex tăng 10-15% so với cùng kỳ 2011.

Bà Phạm Minh Hương - Trưởng Ban thị trường Vinatex bày tỏ những lạc quan về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dệt may trong thời gian tới.

Bà nói, Việt Nam vẫn tiếp tục nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng. Cộng với một số lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán và tiến tới gia nhập, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam, bên cạnh năng lực cạnh tranh sẵn có về giá và chất lượng.

Ngoài ra, những xung đột gần đây giữa Trung Quốc với Nhật Bản khiến rất nhiều khách hàng Nhật, châu Âu chuyển sự quan tâm từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trong khi đó, ông Hoàng Vệ Dũng - Phó TGĐ Vinatex cho biết, trong 3 tháng cuối năm, các DN trực thuộc Vinatex đã gần như đầy đủ đơn hàng, trong đó nhiều đơn vị có đơn hàng đến tháng 1 - 2013.

Theo ông Dũng, khó khăn lớn hiện nay của các DN dệt may trong nước là đơn hàng ngắn, yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhưng giá cả lại giảm sút khiến nhiều DN nhỏ phải đóng cửa.

Những DN lớn vẫn tiếp tục phát triển bởi đơn hàng đã “trôi” về với họ, tức là DN lớn “sống nhờ” DN nhỏ.

Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Phạm Xuân Hồng-Phó chủ tịch Vinatex, các DN lớn mới có đủ uy tín để nhận những đơn hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Song, các DN lớn lại thuê các DN nhỏ làm gia công cho mình.

DN nhỏ: Sống không nổi

Tuy nhiên, theo ông Phùng Đình Ngọ - Ủy viên thường vụ Hội Dệt may thêu đan TPHCM, chỉ những đại gia thuộc Vinatex hoặc DN lớn có yếu tố nhà nước mới có thể sống sót.

Phần lớn những DN, cơ sở sản xuất nhỏ đã chết. “Trong số gần 300 DN thành viên quy mô vừa và nhỏ của Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nay chỉ còn chưa tới 10 DN thường sinh hoạt hội. Số còn lại không liên lạc được”- ông Ngọ nói.

Chỉ còn khoảng 30-40% trong tổng số gần 300 DN vừa và nhỏ thành viên của Hội hoạt động, và trong số còn hoạt động thì hầu hết đều… hoạt động cầm chừng và thu hẹp sản xuất.

Ngay cả DN của những người trước đây từng là lãnh đạo của Hội cũng “dẹp tiệm” và rút lui không kèn trống.

DN do ông Ngọ làm giám đốc cũng phải cắt giảm từ 400-500 lao động lúc cao điểm xuống còn trên 100 lao động hiện nay.

Đơn hàng của những DN vừa và nhỏ chủ yếu là nhận gia công từ các DN lớn hoặc làm những đơn hàng rất nhỏ cho thị trường nội địa với giá cả khá bèo bọt.

Các DN nhỏ không có cửa để nhận được những đơn hàng trực tiếp từ nước ngoài, một mặt vì không đủ năng lực, uy tín, mặt khác không đáp ứng đủ các quy chế, yêu cầu khắt khe về điều kiện lao động từ thị trường Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG