Dẹp loạn 'bảo kê'

TP - Trong “các loại loạn” trên đảo Phú Quốc thời gian qua như: Loạn phân lô bán nền, loạn xây dựng trái phép, loạn lấn chiếm đất rừng, đất dự án… thì “loạn xã hội đen” (với các băng nhóm bảo kê lấn chiếm đất đai) là một trong những vấn đề nhức nhối kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Ban đầu có một số đối tượng hình sự hình thành trên đảo Phú Quốc đâm thuê chém mướn, bảo kê quán hàng, đòi nợ… Tuy nhiên khi Phú Quốc “rục rịch” lên đặc khu, thị trường đất đai lên cơn sốt, nhiều “đại gia” từ các tỉnh thành trong nước tràn ra đảo đầu tư làm ăn và đầu cơ thì nạn bảo kê đất đai trở nên phức tạp. Hơn 20 năm trước, đất đai nhiều vùng trên đảo cho không ai lấy, nhưng giờ đây bỗng… hóa vàng.

Chính vì tranh chấp đất đai nổ ra gay gắt, quyết liệt, diễn ra trên diện rộng, Phú Quốc trở thành “điểm nóng” về đất đai. Khi chính quyền, ngành chức năng giải quyết không xuể, giải quyết chậm… thì lực lượng “xã hội đen” xuất hiện đảm nhận vai trò phán xét. “Công lý” của loại băng nhóm này là có tiền thì sẽ… chiến thắng. Nhiều người bị mất đất oan ức nhưng không dám kêu ca, thưa kiện. Trong khi đó không ít người thay vì kiện tụng lại đi theo con đường “thuê xã hội đen xử cho nhanh”.

Thấy Phú Quốc “làm ăn” được các băng nhóm nhiều nơi như Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, TPHCM... tràn ra đảo. Từ đâm thuê chém mướn, bảo kê hàng quán, tranh chấp đất đai, các băng nhóm lấn sâu vào các lĩnh vực: Cho vay nặng lãi, bảo kê xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng, đất dự án… Hòn đảo chỉ có 9 xã, thị trấn với hơn 140 ngàn dân, kể cả nhập cư, mà có tới 15 băng nhóm tội phạm hoạt động. Từ những băng nhóm hoạt động đơn giản đã xuất hiện những “thế lực ngầm” có tổ chức điều khiển, can thiệp những vụ việc tinh vi, nhạy cảm.

Dư luận và báo chí nhiều lần nên vấn đề, nếu không có các băng nhóm bảo kê đứng sau lưng, thì những người dân bình thường làm sao có thể chiếm được hàng chục ha đất trong các dự án ở Bãi Trường? Nếu không có “thế lực ngầm” thì làm sao xây dựng cả một làng biệt thự ngay bên đường cái quan trên đảo? Nếu không có “xã hội đen” thì làm sao chặt phá, san ủi hàng trăm ha đất rừng trên Đảo Ngọc; làm sao có được những dự án phi pháp về phân lô bán nền?

Chắc chắn chính quyền xã, huyện, tỉnh ở Kiên Giang đều biết, mà đã biết lâu rồi. Vì vậy, chuyện “xã hội đen” lộng hành trên đảo cũng đã đến tai Thủ tướng và đã có sự chỉ đạo xử lý quyết liệt thời gian qua.

Phải dẹp được “loạn giang hồ” thì Đảo Ngọc mới thực sự bình yên! Đó là quan điểm nhìn nhận của nhiều cán bộ, nhân dân tỉnh Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng. Việc đưa báo cáo tham luận về “phòng chống tội phạm” trình bày tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) vừa qua, cho thấy sự quyết tâm của toàn Đảng bộ nơi đây.

Các lực lượng công an huyện, tỉnh đã mở nhiều đợt truy quét các băng nhóm tội phạm trên đảo và đã làm tan rã gần hết. Tuy nhiên cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.