Đã mấy ngày sau khi cơn bão số 9 đi qua, cụ bà Ung Thị Bông (94 tuổi, ở thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng, bên ngôi nhà đổ nát, tan hoang. Mấy chục năm nay cụ sống trong ngôi nhà nhỏ một mình vì không muốn phiền lụy đến con cái. Cụ có 2 người con, nhưng cách đây 2 năm người con gái bị bệnh ung thư đã mất, sau đó 2 tháng người con rể cũng theo vợ, bỏ lại 4 người con. “Thương cháu nhưng tuổi già cũng không giúp được gì, giờ mỗi đứa mỗi nơi tự đi kiếm chỗ làm ăn”, cụ nói. Cụ còn một người con trai nữa ở cạnh đó nhưng vì không muốn phiền đến con nên vẫn một mình trong ngôi nhà nhỏ, tự nấu nướng, sinh hoạt, và thờ phụng người chồng quá cố.
Sáng 28/10, mưa bão quay cuồng, cụ chạy sang trú nhà con trai. Sau mấy tiếng đồng hồ cơn cuồng phong quần thảo ngôi nhà tốc mái trống hoác, tường cũng đổ sập, tài sản dù được gói ghém cẩn thận cũng hư hỏng hết. “Mấy chục năm tui mới thấy cơn bão lớn ghê như vậy”, cụ ngậm ngùi.
Tranh thủ được ngày trời nắng ráo, bà Nguyễn Hường (55 tuổi, ở thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh) nhờ đội thợ trong làng đến lợp lại mái tôn. “Bão số 10 sắp đến nên cứ liều sửa chứ cũng chưa biết tiền đâu mà trả. Tài sản trong nhà thì hư hỏng hết”, bà nói. Ngày bão số 9 đổ bộ đất liền, hai mẹ con chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ sau khi chằng chống kỹ mái và cửa. Vậy nhưng sau bão, ngôi nhà trống hoác, toàn bộ mái đã bị tốc gọn. Ti vi, đồ đạc cũng bị mưa gió quật cho hư hỏng.
Nhiều người cám cảnh trước hoàn cảnh của gia đình ông Huỳnh Quốc Việt (50 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Tam Phú (thành phố Tam Kỳ). Gia đình ông có 6 người con, thì 2 đứa bị bệnh não úng thủy. Cuộc sống khó khăn, người con đầu nghỉ học đi làm phụ ba mẹ mưu sinh. Mới đây anh xin rút khỏi hộ cận nghèo. Trớ trêu, cơn bão số 9 đi qua cuốn sạch mọi thứ mà vợ chồng anh tích cóp bấy nay.“Cũng may người không bị gì. Nhưng giờ chưa biết xoay xở ra sao. Ba đứa nhỏ cũng cho nghỉ học rồi!”, anh chia sẻ.
Thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 9 vẫn là người dân huyện miền núi. Trận sạt lở đất tại xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My), và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) cướp đi hơn 40 mạng người, trong đó nhiều người vẫn còn mất tích. Nhiều gia đình bỗng chốc lâm cảnh chia lìa.
Mấy ngày nay anh Đinh Hoàng Cư (40 tuổi, ở thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) túc trực tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Con trai anh là Đinh Phạm Công sau 2 lần phẫu thuật vẫn đang bất tỉnh nằm tại khoa Cấp cứu của bệnh viện. Còn vợ anh, chị Vũ Thị Lam hiện đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My. “Nhà cửa thì sập hết, vợ con thì nằm viện. Chẳng còn gì hết”, anh nói.
Gia đình anh Cư là một trong 15 hộ dân bị vùi lấp sau trận sạt lở kinh hoàng tại thôn 1 xã Trà Leng. Cả ngôi làng bị vùi lấp, mất dấu. Lực lượng chức năng tìm thấy 8 thi thể, 14 người vẫn đang mất tích. Có những gia đình mất nhiều người cùng lúc.
Bốn anh em Hồ Văn Trí, Hồ Văn Trung, Hồ Thị Điệp và Hồ Văn Đệ cùng lúc mất cả cha và mẹ sau trận sạt lở. Cả bốn anh em đều nằm trong độ tuổi đến trường, trong đó người anh cả Hồ Văn Trí đang học năm cuối đại học. Trí kể, sáng 29/10, đọc báo cậu bàng hoàng khi biết hung tin cả làng mình bị đất đá vùi lấp nên tức tốc chạy xe máy một mạch về nhà. Tới đầu đường dẫn vào xã, xe không thể đi được nữa do sạt lở nên em chạy bộ suốt một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Rồi cậu khụy xuống khi chứng kiến nhà cửa của gia đình mình và bà con trong nóc chìm dưới đất đá. Anh em Trí may mắn thoát nạn.
Lúc người ta đưa thi thể cha mẹ lên từ dưới lớp bùn sâu, Trí gào khóc tuyệt vọng. “Tuần trước về quê, em có nói với ba mẹ rằng chỉ còn vài tháng nữa thôi là em tốt nghiệp đại học. Ra trường, em sẽ cố gắng tìm công việc ổn định để kiếm tiền giúp đỡ ba mẹ và lo cho 3 đứa em ăn học. Vậy mà!”, Trí nghẹn ngào.
BIDV phối hợp báo Tiền Phong trợ giúp bà con vùng lụt
Trong hai ngày 2 và 3/11, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Chi nhánh BIDV Quảng Trị phối hợp báo Tiền Phong cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, UBND các xã để trao quà tặng cho bà con vùng lũ lụt.
Ông Nguyễn Sĩ Hồng (bìa phải), Giám đốc BIDV Quảng Trị và ông Lê Minh Toản (bìa trái) Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong trao tặng quà và tiền mặt cho bà con bị ảnh hưởng lũ lụt ở chiến khu Ba Lòng xưa (gồm xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên).
Từ ngày xảy ra lũ lụt tại Quảng Trị, BIDV và các chi nhánh trong hệ thống đã ủng hộ tổng số tiền 3,324 tỷ đồng. Trong đó, BIDV ủng hộ 2,5 tỷ đồng; công đoàn, người lao động trong hệ thống 614 triệu đồng; công đoàn trong hệ thống hỗ trợ gia đình liệt sỹ 210 triệu đồng. Thời gian tới, BIDV Quảng Trị tiếp tục kêu gọi và làm đầu mối để tiếp nhận các khoản hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân trong hệ thống BIDV đối với đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở Quảng Trị.
H.THÀNH
BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, báo Tiền Phong hỗ trợ người dân thiệt hại do bão số 9 ở Quảng Nam
Ngày 2/11, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (Báo Tiền phong – Cty Sen Vàng), Cty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Ðất xanh phối hợp với Tỉnh Ðoàn Quảng Nam đã đến thăm hỏi, trao quà cho nạn nhân sạt lở đất và người dân bị thiệt hại do bão số 9 tại Quảng Nam. Các Hoa hậu Ðỗ Mỹ Linh, Trần Tiểu Vy, Lương Thùy Linh, các Á hậu Thái Như Ngọc, Nguyễn Thị Thúy An, Người đẹp nhân ái Nguyễn Thúc Thùy Tiên cùng tham gia.
Ðoàn đã trao 324 suất quà đến tay người dân bị thiệt hại do bão số 9 tại xã Tam Ngọc (thành phố Tam Kỳ), tại xã Tam Phú (thành phố Tam Kỳ), và huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Trong đó, 13 suất (5 triệu đồng/suất) hỗ trợ cho hộ dân có nhà bị sập và 311 suất (3 triệu đồng/suất) hỗ trợ người dân bị tốc mái.
Chương trình dành trao 70 triệu đồng cho mái ấm Hướng Dương (phường An Phú, thành phố Tam Kỳ). Ðoàn cũng đã trao số tiền 50 triệu đồng của Trường Tiểu học và THCS Fansipan (thành phố Thanh Hóa) gửi tặng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ).
Chiều cùng ngày, đoàn đến thăm 9 nạn nhân vụ sạt lở Trà Leng đang điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Quảng Nam. Tại đây đoàn trao hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi trường hợp. Tổng số tiền hỗ trợ của chương trình tại Quảng Nam hơn 1,16 tỷ đồng.