Đền Quán Thánh - sai lạc nghiêm trọng

TP - Việc bất cẩn trong chú thích và giới thiệu tại đền Quán Thánh, Hà Nội, đã tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phổ cập kiến thức, giới thiệu du lịch cũng như các nghiên cứu liên quan đến di tích lịch sử văn hóa trọng điểm này.

Trấn Vũ Quán nay gọi là đền Quán Thánh (Hà Nội) là một trong những di tích quốc gia được xếp hạng năm 1962. Đây là một trong Tứ Trấn Thăng Long xưa, di tích mang những dấu ấn của Đạo giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên việc bất cẩn trong việc chú thích và giới thiệu tại đây đã tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phổ cập kiến thức, giới thiệu du lịch cũng như các nghiên cứu liên quan đến di tích lịch sử văn hóa trọng điểm này.

Đền Quán Thánh - sai lạc nghiêm trọng ảnh 1 Tượng Vũ Công Chấn hiện đang được chú thích là Đức ông Trùm Trọng

Đức ông Trùm Trọng là ai?

Trong số các Tứ Trấn của Thăng Long, đây là Trấn Bắc của kinh thành xưa. So với các di tích như đền Bạch Mã (Trấn Đông), đền Kim Liên (Trấn Nam), đền Voi Phục (Trấn Tây), thì đền Quán Thánh hay Quán Trấn Vũ còn nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Việt bởi pho tượng khổng lồ tạc đức Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng. Pho tượng này cao 3,96m nặng gần 4 tấn và là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII và có niên đại tuyệt đối chính xác.

Theo như lịch sử ghi chép, pho tượng này được làm dưới thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677) chúa Trịnh Tạc sai đình thần là Luân Quận Công Vũ Công Chấn đốc công theo dõi. Điều này được ghi rõ ràng trên bài văn khắc bia Trấn Vũ Quán bi ký do Thượng Thư Đông Các Đại Học Sĩ Hồ Sĩ Dương soạn và được Vũ Tộc Đại Tông, gia phả họ Vũ ở từ đường thôn An Cự, xã Đại An, Vụ Bản, Nam Định do Vũ Huyên chép năm Bảo Đại xác nhận. 

Điểm đặc biệt nhất mà ít di tích nào có được chính là việc xuất hiện một pho tượng đá ngay trong nội điện của ngôi đền. Pho tượng này được minh xác là tượng người cho đúc tạc nên pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, mà hiện nay ban quản lý di tích chú thích là tượng “Đức ông Trùm Trọng”. Trong biển giới thiệu về pho tượng Huyền Thiên có thêm rằng “do các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã đúc năm 1677”. Có thể nói việc chú thích này đã làm sai lạc hoàn toàn lịch sử của ngôi Đạo Quán.

Không hiểu tên gọi Đức ông Trùm Trọng được ban quản lý di tích lấy ra từ đâu? Bởi lẽ ngay trong lạc khoản bài minh văn kể trên chép “Ngày lành tháng tốt, vâng mệnh đốc công Luân Quận Công Vũ Tướng công, có chỉ cho được cùng thờ ở đền”.

Đền Quán Thánh - sai lạc nghiêm trọng ảnh 2

Tư liệu văn bia ở đền Quán Thánh

Cũng theo văn bia này, thì Luân Quận Công không chỉ là người đốc công tạc khắc nên pho tượng Huyền Thiên mà ông còn là người cho đúc chuông lớn hiện nay đang được treo ở Tam Quan đền có niện đại Vĩnh Trị thứ 2 (1677).

Để minh bạch câu chuyện này, chúng tôi cũng đã tra soát lại các sách nghiên cứu về đền Quán Thánh/ Quán Trấn Vũ, nhưng hầu như các sách này đều ghi theo chú thích của ban quản lý. Một số sách còn chép thêm tên của người được tạc tượng đá thờ cùng này là Nguyễn Đình Luân. Đây cũng là tên được ghi ở một bảng giới thiệu cũ của đền.

Vậy Đức ông Trùm Trọng và Nguyễn Đình Luân có phải cùng là một người hay không? Tra xét lại các văn bia còn lưu giữ trong đền và các bản dịch trong hồ sơ di tích, thì thấy rằng, từ tấm bia cổ nhất tạo năm 1633 đến tấm bia muộn nhất Chân Vũ Quán Thạch Bi năm Thành Thái 1893, hay Trùng Tu Trấn Vũ Quán Bi Ký thời Tự Đức (1856) đều không ghi chép về nhân vật họ Nguyễn này.

Ấy nhưng, việc chú thích sai này đã dẫn đến hệ lụy là rất nhiều các thông tin trong sách vở đến các mạng internet quảng bá về du lịch ở Hà Nội đều bị sai lạc.

Đền Quán Thánh - sai lạc nghiêm trọng ảnh 3 Tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ

Cần trả lại danh tính cho pho tượng Vũ Công Chấn

Nghiên cứu lại lịch sử và thân thế sự nghiệp của Luân Quận Công, Vũ Công Chấn (1618 -1689), người được ghi trong bài minh văn Trấn Vũ Quán bi ký trên, thì nhân vật này là một công thần triều Lê Trịnh.

Ông là người làm việc trong phủ chúa dưới hai đời chúa là Trịnh Tạc và Trịnh Căn. Đương thời ông là một võ quan lừng lẫy từng được phong đến chức Đô Đốc Kiểm Sự Phủ Đô Đốc Trung Quân, tước Quận Công, khi mất được triều đình gia tặng chức Hữu Đô Đốc. Trọng trách thứ hai không kém phần quan trọng của ông là làm đốc công các công trình xây dựng tạo tác lớn của triều đình.

Theo gia phả họ Vũ hiện được lưu giữ tại từ đường, nơi thờ ông ở xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định có chép: ông là người xây lầu để cho vua ngự xem thi hội năm 1661, xây Tử Các Đường ở Phủ chúa (1662); xây dựng điện Nam Giao Chiêu Sự (1663)… Việc xây dựng này có bài minh trên bia Nam Giao chiêu sự xác thực.

Ông cũng là người xây dựng các cây cầu quan trọng như cầu sông Luân ở Thanh Hóa, cầu Thiên Phúc ở Gia Viễn, Ninh Bình, cầu Yên Quyết (Cầu Giấy - Hà Nội)... dẫu các công trình xưa, nay không còn dấu vết. Nhưng công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp của Vũ Công Chấn chính là việc đốc công xây dựng Quán Trấn Vũ và làm tượng Huyền Thiên. Bởi công đức này ông đã được chúa Trịnh Tạc ban cho ân sủng được tạc tượng phối thờ trong nội điện.

Rất có thể Luân Quận Công khi đốc công làm pho tượng này đã tuyển mộ thợ đúc đồng làng Ngũ Xã. Như vậy giữa việc đốc công xây dựng và là trùm nghệ nhân đúc đồng là hai việc hoàn toàn khác nhau. Không thể để một nhân vật lịch sử có thật, có thân thế sự nghiệp rõ ràng với một cái tên chung chung “Đức ông Trùm Trọng” như hiện nay.

Khi Vũ Công Chấn nhận đốc công công trình này cũng là năm ông tròn 60 tuổi và pho tượng đã tạc khắc một cách chân thực chân dung vị công thần này ở độ tuổi đó. Pho tượng có thể xem là kiệt tác thứ hai của ngôi đền minh chứng cho lịch sử của nghệ thuật điêu khắc chân dung đạt đến đỉnh cao giai đoạn thế kỷ XVII.

Quán Trấn Vũ được xây dựng từ năm 1010 thời vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long để trấn phương Bắc. Đền/ Quán đến nay đã trải qua nhiều lần tu sửa như năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768), năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), thời vua Tự Đức (1856), năm Thành Thái thứ 5 (1893) và gần đây nhất là đợt tu bổ chào mừng Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010.

Chính lần tu sửa lớn vào năm Vĩnh Trị do đốc công Luân Quận Công Vũ Công Chấn chỉ huy là lần tu sửa khiến cho ngôi đền có được sự to đẹp như ngày nay.

Vậy nên việc minh xác lại danh tính cho pho tượng đá được phối thờ trong đền và công tích của vị tổng công trình sư tài hoa Vũ Công Chấn là điều vô cùng quan trọng để tránh những hiểu lầm không cần thiết đối với lịch sử và con cháu tự hào về tinh hoa của nghệ thuật Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Bức tượng đó không phải là tượng ông Trùm Trọng mà là tượng vị Tổng công trình sư rất nổi tiếng thế kỷ XVII là ông Vũ Công Trấn. Bia Trấn Vũ Quán bi ký đã viết về sự kiện này: Tây Vương Trịnh Tạc ủy cho thế tử là Trịnh Căn chủ trì việc xuất kho dinh tạo ngôi quán.

Khi quán đạo được hoàn thành nguy nga tráng lệ, Hoằng Tổ Dương Vương tới thăm, đã khen thưởng cho ông được lập tượng đá bên trái đền, kèm theo bài tự vị được ban hiệu là “Linh Quang Cảm Ứng Đại Vương Thần Tượng”. Dòng lạc khoản của tấm bia trên ghi rất rõ.

Nhà sử học Lê Văn Lan

MỚI - NÓNG