Thụy Điển nên có thái độ khách quan và giải quyết quyết định sai lầm của mình để tránh tác động tiêu cực đến các công ty Thụy Điển ở Trung Quốc sau lệnh cấm của Stockholm đối với các sản phẩm của Huawei và ZTE trong cuộc đấu thầu mạng 5G đã được lên kế hoạch, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) hôm 20/10 cấm các công ty tham gia cuộc đấu thầu, dự kiến vào tháng tới, sử dụng các sản phẩm của Huawei và ZTE, theo tường thuật của Reuters.
Lệnh cấm của Thụy Điển không khiến các nhà quan sát ngạc nhiên, theo South China Morning Post (SCMP). Stoholm đã đề cập thẳng thừng Trung Quốc như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ. Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp trả đũa, khiến hoạt động kinh doanh trong tương lai ở Trung Quốc của Ericsson (trụ sở tại Thụy Điển), đối thủ của Huawei trong công nghệ 5G, bị đặt vào vòng nguy hiểm.
Theo chính phủ Thụy Điển, PTS ra hạn chót 1/1/2025 cho các công ty tham gia đấu thầu vào tháng tới phải loại bỏ thiết bị Huawei và ZTE khỏi hạ tầng hiện có của họ. PTS nói thêm rằng, quyết định của họ tuân theo lời khuyên từ các lực lượng vũ trang và cơ quan an ninh của đất nước, vốn mô tả Trung Quốc là “một trong những mối đe dọa lớn nhất chống lại Thụy Điển”.
Các nhà phân tích cho rằng, quyết định của Stockholm sẽ áp dụng cho toàn bộ mạng 5G của Thụy Điển, trong lúc một số quốc gia khác ở châu Âu cũng đang cân nhắc vấn đề tương tự. Một trong số đó là Đức, nơi Thủ tướng Angela Merkel bị cáo buộc hoãn ban hành Đạo luật An ninh công nghệ thông tin mới áp dụng các giới hạn đối với Huawei, công ty đã hợp tác chặt chẽ với nhà cung cấp viễn thông hàng đầu của Đức là Deutsche Telekom.
Tháng 7/2020, Anh ra lệnh loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G vào năm 2027, trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên làm như vậy. Ý đã đặt ra các rào cản hành chính đối với các nhà khai thác sử dụng thiết bị của các nhà cung cấp bị xếp vào hạng có rủi ro cao, khiến việc chọn Huawei hoặc ZTE là không kinh tế.
Tim Ruhlig, một chuyên gia về quan hệ EU-Trung Quốc tại Viện Các vấn đề quốc tế Thụy Điển cho rằng, chính quyền Thụy Điển đã cấm Huawei theo cách rõ ràng nhất có thể. “Thụy Điển có thể đã làm điều gì đó tương tự như Ý và âm thầm cấm Huawei. Nhưng quyết định hôm nay cho thấy, Thụy Điển đang có lập trường rõ ràng”, ông Ruhlig nói.
Jan Weidenfeld, thuộc Viện Mercator Nghiên cứu Trung Quốc, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, nói: “Hiện tại, châu Âu đang chơi trò thăm dò, xem các quốc gia khác đang làm gì với vấn đề 5G”. “Các quốc gia như Thụy Điển, có nền kinh tế lớn, đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về một chủ đề nhạy cảm như vậy đối với phía Trung Quốc, đã tạo ra sự khác biệt về cách châu Âu nói về vấn đề này”, Weidenfeld nói.