Đến đất Thần Kinh của Đế quốc Inca - Kỳ cuối: Lên cổ sơn

Machu Picchu - Bên trái là khu nhà ở và đền đài, bên phải là khu trồng trọt được giật cấp bậc thang.
Machu Picchu - Bên trái là khu nhà ở và đền đài, bên phải là khu trồng trọt được giật cấp bậc thang.
TP - Machu Picchu (hai từ này trong tiếng Quechua của người Inca có nghĩa là “Cổ Sơn”), một thành phố chết được bảo tồn tốt, di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1983. Nó cũng được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thế giới mới.

Tới thị trấn du lịch dưới chân Machu Picchu, khách tham quan cũng chả mất công trèo mà được xe buýt du lịch tăng bo lên đỉnh nhờ con đường toàn cua tay áo nhưng mặt đường  nhựa khá tốt. Xe dừng, bước vài bước, thành phố kỳ bí của người Inca đã hiện ra trước mắt. Nó gồm 2 khu vực rõ rệt, một bên là nhà ở và các đền thờ, các tường đá của nhà cửa san sát xưa vẫn còn trơ cùng tuế nguyệt ở tình trạng tốt (tạm gọi là Khu Đô thị). Còn một bên là sườn núi được kè đá thành rất nhiều bậc thang để trồng trọt, chỉ có ít công trình trên đó (tạm gọi là Khu Nông nghiệp). Giữa hai khu vực là một cái khe nông được dựng bờ đá thấp hai bên chắc là làm kênh thoát nước cho thành phố.

Đến đất Thần Kinh của Đế quốc Inca - Kỳ cuối: Lên cổ sơn ảnh 1

Một căn phòng đá đặc trưng.

Tôi được hướng dẫn sang Khu Nông nghiệp nằm bên tay trái của tổng thể thành phố để lên cao nhìn toàn cảnh Khu Đô thị. Con đường lên được lát bậc đá. Trời đất, một đoạn cây cối rậm rạp, trúc mọc sát hai bên, mưa rây rây trên đầu, khách thập phương đủ màu da, ngôn ngữ, chỗ len lỏi, chỗ chen vai - tôi tưởng mình đang leo lên Yên Tử! Chỉ một lát thôi đã ra đến các trảng đất rộng, nhiều vết tích các công trình đá.

Trên dải đất cao nhất, tôi chú mục vào một hòn đá lớn, mặt bằng phẳng, có đục các bậc để trèo lên nằm ở khu đất cao nhất. Tấm biển tiếng Anh ghi: “Hòn đá hiến tế”. Tôi sởn gai ốc nhìn chăm chăm, trong đầu hình dung cảnh mấy trăm năm trước, súc vật và cả người, có thể là các chàng trai, cô gái hoặc trẻ con bị đè ngửa trên đó trước khi bị giết trong các nghi lễ hiến tế. Rồi cũng dứt ra được mà phóng tầm mắt nhìn sang Khu Đô thị. Nổi bật trên nền các chóp núi hùng vĩ và tứ phía màu xanh tối của rừng đại ngàn trong một ngày trời u ám là chi chít các công trình đá với những bức tường gần như toàn vẹn còn nguyên cả phần chóp dốc để mái cỏ ngày xưa không bị đọng nước.

Các công trình san sát từ thấp lên cao, bao quanh một bãi đất rộng không bằng phẳng mà có chỗ giật cấp thành các bậc  hình chữ nhật, rõ ràng là một kiểu sân, quảng trường để sinh hoạt cộng đồng. Tôi đứng và tưởng tượng trong đầu cảnh năm - sáu trăm năm trước, thay vào các nhóm khách du lịch đông đúc áo quần đủ màu đang len lỏi trong các công trình đá ấy là các thủ lĩnh và chiến binh Inca ở trần, mặt vẽ màu, đầu để tóc dài, đội lông chim, các thiếu nữ Inca mặc trang phục dệt từ lông con lạc đà không bướu đặc trưng ở đây. Tôi như bị thôi miên và cảm thấy thật hạnh phúc ngắm nhìn cái kiệt tác của một chủng người luôn gợi sự bí ẩn, tò mò, giờ được coi là một di sản lịch sử-khảo cổ-kiến trúc quý báu bậc nhất của nhân loại.

Tôi cứ ngây ra nhìn cho đến khi một quầng sương mù dày đặc dâng nhanh lên từ vực núi sâu hút bên dưới. Quầng sương đó màu vàng trắng do chút ánh sáng mặt trời chiều lọt qua những đám mây rách nát vần vũ bên trên. Trong nháy mắt, Machu Picchu huyền bí trước mắt tôi bỗng biến mất cứ như một thành phố ma.

Căng mắt nhìn, tôi thấy trong làn sương ảo diệu đó những nét mờ mờ của các công trình đá. Nhìn kỹ hơn nữa thấy cả hình dáng khách du lịch còn mờ hơn nữa, mờ đến như không, hệt những linh hồn trong suốt của phim kinh dị. Cảnh tượng thật ma quái. Tất cả diễn ra cũng chỉ trong khoảng một phút, quầng sương đó bị gió núi thổi bạt qua, thành phố đá lại hiện ra với đầy đủ vẻ thâm u bí hiểm thường trực của nó.

Đến đất Thần Kinh của Đế quốc Inca - Kỳ cuối: Lên cổ sơn ảnh 2

Intihuatana - nơi Mặt trời bị cột lại.

Khi đi xuống để chuyển qua Khu Đô thị, tôi bỗng nhìn thấy trên một dải bậc thang một con lạc đà không bướu, giống gia súc mà người Inca nuôi để lấy thịt và lông làm quần áo, đứng như tượng, chỉ mỗi cái mồm trệu trạo nhai, mắt đăm chiêu, buồn bã hướng về phía Khu Đô thị, mà cũng có thể xa hơn, những đỉnh núi và ngút ngát đại ngàn Amazon. Tôi bỗng nghĩ, lạc đà ơi, sau gần 600 năm, chỉ dáng đứng, miệng nhai và ánh mắt mày là vẫn vậy trong khi vật đổi sao dời, Đế quốc Inca vĩ đại ngày nào từ lâu đã thành quá vãng!

Cõi mê

Khu Đô thị là một cấu trúc dày đặc các đền thờ và phòng ở xây hoàn toàn bằng đá. Cứ tùy theo độ thiêng liêng và quan trọng của công trình mà các tảng đá làm tường to hay nhỏ. Đền thờ  Thần Mặt Trời, vị thần quan trọng nhất của người Inca làm  hầu hết bằng những tảng đá lớn vài tạ, vài tấn, có cả những tảng mươi mười lăm tấn như Hiram Bingham đã viết. Mãi mãi là một bí hiểm, bằng cách nào mà người Inca, về vóc dáng cũng chả cao lớn hơn người Việt chúng ta, không biết dùng bánh xe, trục lăn, không biết các thiết kế nâng lại di chuyển và đưa được những tảng đá lớn như thế lên các vị trí cao với độ chính xác như vậy? Các nhà khoa học cho rằng chỉ đơn giản là họ cột dây rừng và mấy trăm người kéo một hòn đá đi vậy thôi. Chưa hết, họ đẽo bằng, mài phẳng các mặt đá, đục đẽo các mộng, các ngoàm, nhiều chỗ có những góc, những đường lượn vô cùng phức tạp để các tảng đá lớn chồng khít nhau, không cần vật liệu kết dính nào mà nhiều chỗ không thể lách được một lưỡi dao mỏng vào khe giữa hai tảng đá. Kinh người với những gì người Inca xưa đã làm được!

Tôi tha thẩn mãi bên cạnh đền thờ Mặt Trời uy nghi có những bức tường đá góc vuông hoặc hình tròn, cố căng tai nghe hướng dẫn viên một nhóm khách thuyết minh bằng tiếng Anh - ngôn ngữ mà tôi không thạo, đứng lặng một lúc lâu trong căn phòng đá có biển đề là phòng của thủ lĩnh. Rồi có cả phòng mà người ta cho nhiều khả năng là phòng của “công chúa”. Không tránh khỏi việc tưởng tượng ra cảnh trí và con người xưa trong mỗi phòng, mà không hiểu tại sao, tôi cứ hình dung họ ngồi quanh đống lửa đốt trong đêm đông giá lạnh (phải chăng do tường và nền đều bằng đá lạnh lẽo?). Rồi Quảng trường Thần thánh với nhiều kiến trúc độc đáo trong đó có căn phòng 3 cửa sổ dựng bằng những khối đá đúng là phải mươi mười lăm tấn. Ba cửa sổ hướng về phía đông để đón ánh mặt trời, căn phòng này dùng để thờ phụng Thần Mặt trời và cũng là nơi các nhà thiên văn Inca quan sát bầu trời để đưa ra các dự báo về thời tiết và vận hạn…

Đến đất Thần Kinh của Đế quốc Inca - Kỳ cuối: Lên cổ sơn ảnh 3

Photo: ..

Người Inca xây dựng nhà cửa đền đài san sát, chỉ để lại các lối đi hẹp. Tôi cứ miên man trong những lối như mê cung ấy, hết phòng này qua phòng khác, hết đền này qua đền khác. Rồi khi phát hiện những người cùng đoàn đã xuống núi từ lâu, tôi vội vàng leo hướng lên khu vực cao nhất có tên là Intihuatana do chính Bingham đặt tên bằng tiếng Quechua của người Inca, có nghĩa là “Nơi mặt trời bị cột lại”. Lại là một khu vực để làm các nghi lễ hướng về Thần Mặt trời. Một tàn tích công trình còn sót lại và một khoảng sân khá rộng ở giữa lại đặt một tảng đá lớn được đẽo gọt cầu kỳ để tạo nấc leo lên.  Tại đây, mỗi năm một lần, người Inca làm một đại lễ, được coi là quan trọng nhất, vào ngày Đông chí để cầu cho Mặt Trời không biến mất (điều chắc là nỗi ám ảnh truyền đời  của họ). Trên đỉnh tảng đá cao 1,7 m ấy có một cột đá cao 0,7 m nữa (chắc là để “cột Mặt Trời”) nhưng tiếc rằng  cột đó không còn nguyên vẹn do sự cố đổ cần cẩu máy quay khi quay một chương trình truyền hình mang mục đích thương mại vào năm 2001.

Đến đây, tôi mới đi được một nửa Khu Đô thị của Machu Picchu. Đành phải vừa đi vừa chạy xuống núi về chỗ tập kết để những người cùng đoàn không phải đợi quá lâu. Ngập tràn trong nuối tiếc bởi cảm giác rằng đời mình khó có cơ hội quay lại thành phố kỳ bí, một cõi mê có một không hai này.  

Do sự thẫn thờ của tôi trong di tích,  những người cùng đi đã phải đợi tôi gần tiếng đồng hồ. Cũng có đôi chút không hài lòng vì chúng tôi đã không liên lạc được với nhau bởi điện thoại của nhóm dùng sim của Bitel, mạng viễn thông mà Viettel đầu tư thành công tại Peru. Ở thời điểm tháng 10/2015 ấy, sóng Bitel chưa vươn tới Machu Picchu. Được biết đầu năm 2016, Bitel - sóng Việt sẽ trùm phủ lên khu danh thắng trứ danh cách chúng ta nửa vòng Trái đất này.

Kỳ I: Đến đất Thần Kinh của Đế quốc Inca

MỚI - NÓNG