Đền bù thiệt hại vụ nước sạch sông Đà: Ai đứng ra khởi kiện?

Nước sông Đà ô nhiễm, người dân Hà Nội phải xếp hàng lấy nước
Nước sông Đà ô nhiễm, người dân Hà Nội phải xếp hàng lấy nước
TP - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về vấn đề này.

Trong vụ việc ô nhiễm nước sạch sông Đà, người dân không chỉ mất tiền mua nước sạch sử dụng mà còn tốn kém tiền thau rửa bể ngầm, sửa chữa máy lọc nước và rất bất bình. Hội đánh giá thế nào về thiệt hại của người dân?

Cũng như đông đảo người dân Hà Nội và dư luận cả nước, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam quan tâm sâu sắc hậu quả mà người tiêu dùng sinh sống tại nhiều quận, huyện của Thủ đô Hà Nội phải gánh chịu. Ước tính của báo chí, có tới khoảng 280.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Hậu quả là rất nghiêm trọng và rộng về phạm vi, lớn về số lượng, không chỉ thiệt hại về tiền mua nước, tiền thau rửa bể ngầm, cuộc sống bị đảo lộn mà còn lo lắng tổn hại về sức khoẻ. Vì thông thường, trong dầu thải vốn có styren và các chất có hại cho sức khỏe con người.

Động thái của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam như thế nào trong sự việc này?

Hội xác định phải có nghĩa vụ tích cực hợp tác cùng các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông và dư luận để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Người dân khởi kiện đơn lẻ sẽ mất rất nhiều thời gian, trong trường hợp không gửi đơn cho Hội, Hội có đứng ra khởi kiện đòi quyền lợi, đền bù cho người dân hay không? 

Đương nhiên, Hội có nghĩa vụ và có quyền đứng ra để đòi hỏi quyền lợi, đền bù cho người tiêu dùng theo đúng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác có liên quan. 

Tuy nhiên, hiện nay Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án đổ trộm dầu thải, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Công an tỉnh điều tra cả hành vi thiếu trách nhiệm của Công ty Nước sạch Sông Đà. Ở cấp Trung ương, Bộ Công an đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó, Hội chờ kết qủa điều tra của Bộ Công an và Công an tỉnh Hoà Bình. Hội cũng đang nghe ý kiến của người tiêu dùng về mức độ bồi thường mà Công ty đã đưa ra (miễn một tháng tiền sử dụng nước - PV). Hội cho rằng, Công ty Nước sạch Sông Đà cần thấy rõ trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, để từ đó có mức độ bồi thường thích đáng hơn nữa cho người tiêu dùng. 

Thông qua sự việc này, Hội có đề xuất gì đến các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

Hội cho rằng, đảm bảo an toàn nước sạch cho cộng đồng người tiêu dùng là cực kỳ quan trọng. Việc này phải được thực hiện từ nhiều khâu: từ đảm bảo an toàn ngay từ đầu nguồn nước, khâu sản xuất, kiểm soát chất lượng, đến khâu giám sát chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan chức năng, đến luật pháp quy định trách nhiệm rõ ràng, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chúng ta đều biết nguồn nước cung cấp cho nhà máy của Công ty Nước sạch Sông Đà chính là hồ thuỷ lợi Đồng Bài. Công ty Nước sạch Sông Đà cần xây dựng ngay hệ thống đường ống kín dẫn nước từ sông Đà về nhà máy, chấm dứt việc dùng chung nước hồ thuỷ lợi Đồng Bài như hiện nay.

Hiện nhà máy không có trạm quan trắc tự động để kiểm soát nguồn nước vào, điều này không thể chấp nhận được. Công ty cần lập ngay trạm này và các trang thiết bị sản xuất cần thiết khác để đảm bảo nghiêm chỉnh chất lượng nước sạch cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!

Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần thường xuyên giám sát, kiểm tra quy trình sản xuất và chất lượng nước sạch của Công ty Nước sạch Sông Đà cũng như tất cả các công ty nước sạch khác cung cấp nước sạch cho thành phố; các cơ quan chức năng của tất cả các tỉnh, thành khác cũng cần làm như vậy đối với tất cả các công ty nước sạch khác trên phạm vi toàn quốc, tránh để xảy ra vụ việc tương tự.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.