Đến bar tung thơ về trầm cảm

Trong ánh sáng mờ ảo thi sĩ và khán giả thoải mái “tung thơ”.
Trong ánh sáng mờ ảo thi sĩ và khán giả thoải mái “tung thơ”.
TP - Trong ánh đèn mờ ảo một cách chuyên nghiệp, khán giả vừa nhấp cocktail  vừa thưởng thức những khúc thơ từ dịu dàng đến cuồng nộ của thi sĩ trầm cảm hoặc có bạn thân mắc chứng “muốn chết”.

Open mic là một trong chuỗi sự kiện của Human Library (Thư viện sách sống). Nhà tổ chức muốn có một đêm trình diễn thơ gần giống như Slam thơ  (Đấu thơ đang rất thịnh hành trên thế giới) về chủ đề “Sức khỏe tâm lý” chỉ khác là tại Open mic không có chấm điểm chọn ra người giải nhất. Đúng như tính chất của “micro rộng mở”, bất kỳ ai trong khán phòng ngoài những nhà thơ đăng ký trước, đều có thể lên sân khấu thổ lộ, đàn hát, nói “linh tinh” về  bệnh rối loạn tâm lý.

Một số lượng đáng kể du học sinh đã tốt nghiệp hoặc đang nghỉ hè tham gia đêm thơ. Không khó để nhận thấy,  học giỏi và nhà có điều kiện không phải môi trường  “vô trùng” với trầm cảm. Các khách mời làm thơ song ngữ, những thi sĩ đăng ký trước, được ban tổ chức in vào sách trình bày điệu phát cho khán giả như quà tặng kiêm tư liệu về “cảm xúc tâm lý, giới tính”.

Micro trong bóng tối

Đa số các nhà thơ và cả khán giả đều muốn được nghe hơn là nhìn và “bị nhìn thấy”. Các bạn đọc thơ, hát, tâm sự thoải mái hơn trong ánh sáng mờ. Có bạn đề nghị tắt hết đèn rồi mới chịu lên bục kể chuyện.

Không vô tình khi có tới ba bài thơ “cứu mạng”  được chọn trình diễn. Cả ba tác giả đều từng có bạn thân mắc chứng trầm cảm, nhiều lần tự hại và tự tử hụt. Ở thời điểm bi đát, tối tăm nhất và với người bệnh “mọi ban công tầng thượng đều khuyết lan can”  mời gọi họ “bay xuống thế giới khác”. Bài thơ của bạn thân đã khiến họ ngừng “muốn chết”.

Người tự hại hiện trong thơ thế này:

“Sự việc không nên thơ như vậy

Nó rít một điệu cười chói tai, nên tôi rạch một đường ở tĩnh mạch

Hy vọng nó tìm được lối thoát ở vết thương ấy và đi” (Nó ở đây là giọng nói trong ảo giác).

Sinh viên Hoàng Thu Trang, nhà thơ cũng là người trong Ban tổ chức chia sẻ, vì có người bạn liên tục đòi tự tử, Trang khá hiểu cảm xúc của những người mắc chứng ghét bản thân nên đăng ký tham gia tổ chức sự kiện này.

Tác giả Lan Võ miêu tả cảm giác của người mắc chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng bức trong bài “Mẹ ơi, con sợ”. Cô gái trong bài thơ dằn vặt về phận gái bị kỳ thị, xâm hại, coi rẻ. Khán phòng như đồng cảm với những lời cầu cứu thảng thốt : “Mẹ ơi, con sợ.../ Con lúc nào cũng trên bàn mổ. Ngực quá to. Bụng quá to. Mặt quá tròn./ Những ánh mắt sắc lẹm cào xé con như học sinh thực tập mổ tử thi...”

Đến bar tung thơ về trầm cảm ảnh 1 Một khán giả ngẫu hứng hát và tâm sự “để có được giờ phút này tôi đã trải qua một hành trình không hạnh phúc”. Ảnh: An Xuyên.

Người bệnh nhắn gửi “bác sĩ”

Hầu hết các tác giả “tung thơ” trên sân khấu đều có ý thức hướng vào một nhân vật ngồi trong bóng tối khán phòng.  Một người được tặng thơ bỗng xin lên sân khấu kể câu chuyện của mình, tuy nhiên anh đề nghị tắt đèn để được tự tin.

Anh kể  mình đã từng 4 lần trèo lên lan can trường đại học kéo tay người bạn  định “nhảy lầu” thế rồi một ngày chính anh bị trầm cảm do áp lực học hành. Anh tự rạch tay mình nhiều đến nỗi không còn chỗ trống để rạch tiếp, sau phải chuyển sang đấm mạnh vào tường cho đỡ cuồng. Bố mẹ không chia sẻ, họ cảm thấy phiền sợ mang tiếng có con đi viện tâm thần nên họ mời một bác sĩ điều trị tại nhà. Người bệnh là sinh viên học giỏi, hiểu biết nên thấy vị bác sĩ khá tẻ nhạt khi mỗi ngày điều trị đều hỏi những câu giống nhau như “Hôm nay em ăn gì?”; “Em cảm thấy buồn không”... Người bệnh sợ bố mẹ khổ tâm nên luôn luôn nói dối bác sĩ rằng anh thấy ổn, đã khá lên. Anh thường xuyên thấy ghét bản thân và có nhu cầu làm mình đau đớn.

“Mọi người gặp tôi đều vào vai bác sĩ khuyên tôi đừng dại dột, bắt tôi hãy thương bố mẹ, nhưng họ càng kéo tôi lên thì tôi càng cảm thấy thân nặng trĩu, bị hút sâu hơn vào một hố đen”. Giờ đây trong thể trạng tạm thời bình thường, anh chia sẻ kinh nghiệm “Đừng cố khuyên bảo người trầm cảm, họ chỉ cần có người lắng nghe, đồng cảm. Họ cần một người bạn”.

Một du học sinh lớp 11 trong đêm thơ cũng kể về tình bạn với một người “luôn tự gây thương tích” . “Em cứ lẽo đẽo đi bên bạn ấy. Người tự hại rất sợ cô đơn. Tới thời điểm này bạn vẫn sống”.

Tác giả Nguyễn Thu Hương cũng đã vô hiệu hóa thành công ý đồ tự vẫn của một người bạn bằng bài thơ có điệp khúc mỉa mai “Ôi cái chết mới đẹp làm sao!” và kết thúc bằng lời bóc mẽ cái chết “Không! Cái chết là lưỡi dao cùn trên chiếc bánh của cõi vĩnh hằng...”. Các “thánh tự tử” ít nhiều nhận ra “đòi chết” là bẽ bàng.

MỚI - NÓNG