Đến án cũng chạy thì cái gì không chạy được

GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, đến án cũng chạy được thì không có cái gì là không thể không chạy được.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, đến án cũng chạy được thì không có cái gì là không thể không chạy được.
TP - Tại Hội thảo Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động Tư pháp do Ban Nội chính T.Ư tổ chức sáng 24/3, GS Trần Ngọc Đường,nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đến án cũng chạy được thì không có cái gì không chạy được. Do đó, cần phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc chế ước lẫn nhau giữa cơ quan điều tra, truy tố, xét xử để bịt kín những lỗ hổng.

“Bôi trơn” mới thụ lý vụ việc

Nhận diện nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của toà án, ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng, nó xuất hiện ngay từ khâu tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Theo đó, khi người dân, doanh nghiệp có đơn yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp thì thẩm phán có thể gây khó khăn trong việc tiếp nhận. Nhiều trường hợp chậm trễ thụ lý, hoặc “vòi vĩnh”, yêu cầu phải “bôi trơn” mới giải quyết. Người tiếp nhận đơn cũng có thể dùng thủ thuật, đe doạ, ép buộc để người khởi kiện phải đưa hối lộ để đơn được án, vụ án được thụ lý.

“Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi quyền, lợi ích hợp pháp không được bảo vệ một cách kịp thời hoặc làm phát sinh chi phí không chính thức”, ông Độ nói. 

Ông Độ cho rằng, ngay cả khâu phân công thẩm phán cũng có nguy cơ tiêu cực, tham nhũng vì phụ thuộc vào sự phân công của chánh án. “Nhiều nước trên thế giới phân công thẩm phán giải quyết vụ việc bằng hình thức “bấm nút”, rơi vào ai thì người đó xử. Còn ở ta, có thể có việc chánh án phân công thẩm phán “dễ bảo, dễ nghe” theo ý của mình. Phân công cho thẩm phán “thân quen” xử để có lợi cho đương sự thân quen”, ông Độ nói và cho rằng, đó cũng chính là tham nhũng.

Trước thực trạng trên, ông Độ cho rằng, cần phải hoàn thiện thể chế pháp luật và thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm tính công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó cần có giải pháp về cơ chế, chính sách để bảo đảm tính liêm chính trong hoạt động tư pháp. “Thầy giáo, bác sỹ đều có thể làm thêm nhưng thẩm phán thì lại không được làm thêm. Mà lương tháng chỉ có 4-5 triệu đồng, nộp tiền học cho con là hết nên khi gặp đương sự  mân mê nhẫn kim cương thì sao kiềm lòng nổi”, ông Độ diễn giải và cho rằng đạo đức thẩm phán phải liêm chính nhưng nhà nước đảm bảo liêm chính mới quan trọng, đảm bảo tính độc lập.

Đến án cũng chạy thì cái gì không chạy được

Đề cập đến thực trạng “cái gì cũng chạy”, từ  “chạy chức”, “chạy quyền”… GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng,  đến án cũng chạy được thì không có cái gì là không thể chạy được. “Chạy án rất khó vì quy trình điều tra, truy tố, xét xử rất chặt chẽ, chế ước lẫn nhau. Thế mà cuối cùng người ta vẫn chạy được, ông Đường nói và cho rằng, nguyên nhân do thủ tục tố tụng chưa chặt chẽ, chưa bịt kín những lỗ hổng. Bên cạnh đó, người dân chưa tin vào bản án, chưa tin vào tính công bằng, công lý nên vẫn tìm cách “chạy”.

Theo ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng, tình trạng tham nhũng trong hoạt động tư pháp không chỉ ảnh hưởng niềm tin của nhân dân với công lý, với chế độ chính trị mà còn dẫn đến mối quan hệ cộng sinh của cán bộ tư pháp với thế giới tội phạm. “Nếu không ngăn chặn được tham nhũng trong tư pháp thì không thể ngăn tham nhũng trong các lĩnh vực khác”, ông Cường lưu ý.

Để giảm bớt tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, GS Trần Ngọc Đường kiến nghị phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc chế ước lẫn nhau giữa cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Cùng với đó, từ quy tắc đạo đức đến quy định pháp luật phải ngăn cấm tuyệt đối mối quan hệ giữa luật sư với hội đồng xét xử trong đó có thẩm phán và kiểm sát viên. “Khắc phục được việc này cũng là bịt kín được lỗ hổng phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp”, ông Đường nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.