Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất…

Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Gần mười năm trước, tôi bất ngờ nhận được lá thư của một cô gái Quảng Trị, lá thư mở đầu khá đặc biệt: “Vô tình đọc “Ghi nhanh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” (tên một bài thơ của tôi - LNA), tôi đã khá có cảm tình với anh...”. Rồi như chẳng cần biết điều đó đã gây ấn tượng thế nào với người nhận, bức thư kết thúc bằng một câu hỏi vừa có phần cả quyết, lại vừa như hờn dỗi: “...Anh có dám làm quen với một cô gái ở mảnh đất gió cát này không?...” Về sau, T, tên cô bạn nọ, giải thích lý do khiến mình viết lá thư trên: “Đó là vì bài thơ đã viết về quê em...”. Chúng tôi đã quen nhau như vậy!

Ấy là chuyện mươi năm về trước. Nhưng ngày ấy hình như T. cũng không nhận thấy một điều, rằng với riêng mình, đã từ rất lâu rồi, không hiểu vì đâu mà lòng tôi vẫn cảm thấy có điều gì vừa như tò mò, lại vừa như  mắc nợ với mảnh đất mà em tự gọi là gió cát này. Mãi sau rồi mới hiểu, thì ra những cảm giác ấy không phải bắt nguồn từ những gì chưa biết, mà thực sự bắt nguồn từ những gì đã biết, và biết rất mơ hồ, về một chiến trường với những tên gọi, những chiến công đã được ghi đậm vào sử sách: Gio Linh, Cam Lộ, Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Cửa Tùng, Thành Cổ... mà mình đã từng được đọc, được nghe từ thuở ấu thơ; để rồi bỗng một ngày kia, trước ngút ngàn của Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, câu thơ vọng đến bất chợt như có ai đó thầm đọc bên tai: Nhấp nhô đến cạn cánh cò/ Nghiêm trang như dưới Quân kỳ điểm danh/ Hôm xưa với lá áo xanh/ Hôm nay với nắng áo thành tinh khôi...; và để rồi lòng tự hẹn lòng, rằng, rồi sẽ một ngày mình trở lại nơi đây, sẽ một lần sống thật kỹ với mảnh đất này, để chiu chắt lại thật sâu, thật đậm một chút gì đó về Quảng Trị, cho bản thân, cho bè bạn, những người còn sống và cả những người đã khuất mà bức thư của T. lại vừa như một lời nhắc gọi...

Nấn ná vậy mà cũng đã gần mười năm. Trên con đường lang thang suốt dọc chiều dài đất nước, lắm lúc tưởng chừng như vô định, tôi đã bao lần qua nơi này, cũng đã từng dừng chân nghỉ lại. Miền Trung đã dần trở nên một điều gì rất khó phai nhạt trong cuộc sống mỗi ngày đang trôi qua của mình. Từ vị cay của ớt đến hương nồng của men, từ giọng nói nằng nặng chân tình đến ánh mắt trầm ngâm lưu luyến. Từ những câu chuyện ngang tàng, hóm hỉnh đến những lời ca ai oán dặt dìu… Rồi nắng, rồi gió, rồi cả những cơn mưa dầm dề, dai dẳng não lòng... tất cả đều đã thành thân thiết, vấn vương đến vô cùng. Ấy vậy mà lời hứa với em, với mảnh đất gió Lào cát trắng ấy vẫn chưa thực hiện được. Thế nhưng rồi trong một lá thư gần đây, T. viết: “...Người dân quê em hiền lành, chân thật và cũng rất ân tình...” thì cái tình cảm lưu luyến âm thầm bấy lâu nay chợt thức. Không còn lý do gì để chần chừ thêm được nữa. Đất đai ấy, tình nghĩa ấy đã trở thành quấn hút đến mê hoặc.

Và tôi đã trở lại Quảng Trị trong một tâm thế như vậy. Tâm thế của một người vắng xa lâu ngày trở về, để vừa xa lạ lại vừa gần gụi, để vừa thân thuộc lại vừa không khỏi ngỡ ngàng...

*

Thế hệ sinh ra sau năm 1972 hôm nay về Quảng Trị chỉ thấy hiển hiện trên mặt đất, giữa lòng thị xã, một chứng tích hiên ngang như một tượng đài của sự quật cường được tạc nên từ bom đạn. Đó là một góc ngôi trường Bồ Đề trên đường Trần Hưng Đạo, ngôi trường từng một thời là niềm kiêu hãnh của người dân Quảng Trị về truyền thống hiếu học của quê hương mình, cũng là công trình kiến trúc duy nhất còn lại mang dấu tích của một Quảng Trị hào hoa xưa, sau khi Thị xã đã bị san phẳng trong 81 ngày đêm lửa đạn mùa hè năm 1972. Những thương tích in hằn trên mình ngôi trường còn lại tới hôm nay là chứng tích mà chiến tranh từng đem đến nơi đây, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Giữ lại nó, Quảng Trị như muốn nói lại với muôn sau những ký ức không thể nhạt phai về một mùa hè đỏ lửa, và nhắc với mỗi chúng ta rằng, mỗi gốc cây, ngọn cỏ trên mảnh đất này từng thấm đẫm máu đào của tuổi thanh xuân.

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất… ảnh 1 Khoảnh trời qua vòm cổng Thành cổ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Một buổi chiều tháng 7, giữa cái nắng vẫn chói chang, gay gắt của mùa hè, thoảng chốc lại ào qua một cơn gió Lào hầm hập. Lang thang giữa lòng thị xã lại thấy bâng khuâng nhớ câu thơ của một người bạn thuở còn trẻ trung và khát bỏng yêu thương, đã viết về thị xã này: Thị xã nhỏ như bàn tay con gái/ Chiều xưa vuốt tóc kiêu kỳ... Thị xã nhỏ thật, mỗi chiều chỉ khoảng chừng 1,5 km. Mơ hồ như từ sông Thạch Hãn vọng lên:

“... Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm...” 

*

Tôi đã sống những ngày thật ý nghĩa với mảnh đất ân tình và duyên nợ này như vậy. Đúng là người dân Quảng Trị hiền lành, chân thật và cũng rất ân tình T. ạ. Nhưng còn biết bao thiêng liêng và trĩu nặng yêu thương từ đất đai quê mình, sao em chưa nói... Tôi đã dừng rất lâu bên bờ Bến Hải, con sông đã từng như lưỡi dao xa xót trên bản đồ Tổ quốc một thời. Cây cầu Hiền Lương hôm nay vượt qua chỉ chưa đầy 2 phút đồng hồ, vậy mà dân tộc mình phải mất tới hơn 20 năm mới có ngày liền nhịp. Chính ở nơi đây tôi đã được nghe câu chuyện thoạt như đơn giản mà càng nghe lại càng xa xót đến quặn lòng, về những đám tang có đến... 4 đoàn người đưa. Một đoàn ở bên này sông, một đoàn bên kia sông, cùng đi dọc bờ sông để tiễn đưa người quá cố, và... bóng của họ cùng in xuống lòng sông... Nhớ lại mỗi lần mình chia tay nhau, trông mắt em buồn da diết, lòng đã thấy ngác ngơ như vừa mất một điều gì, giờ nghe câu chuyện nọ mới thấy mình sao quá ư vị kỷ. Mảnh đất nơi mình gặp nhau này thực đã có những cuộc tiễn đưa không thể hình dung... Tôi cũng đã từng bị ám ảnh rất nhiều về những giọt nước mắt ứa ra nơi khoé mắt của một nhà thơ nguyên là lính xe tăng, khi anh kể về những nắm cơm đã cháy thành than, tìm thấy trong một chiếc xe tăng sau trận chiến đấu ở Đắc Tô, Tân Cảnh năm nào, nên khi đến Khe Sanh, dừng thật lâu bên chiếc xe tăng từng tung hoành để làm nên chiến thắng Làng Vây lịch sử, lại một lần cảm thấy như đang mắc nợ… Để có được đất đai này, cuộc sống này, chúng mình đã phải chịu ơn biết bao người, phải không em... Rồi những lúc dầm mưa trên những con đường Huyền Thoại, rồi khi khoả chân dòng suối La La ở Đakrông, nơi năm xưa từ đó, những đoàn quân âm thầm xuất hiện, cũng như huyền thoại, để lập nên bao kỳ tích… Rồi những ngày sống giữa những con người bất khuất, kiên cường mà cả một dân tộc cùng thành kính lấy tên Bác Hồ làm họ của tộc người mình để nói lên ý chí và quyết tâm đi theo Đảng, theo Cách mạng. Rồi Cồn Tiên, Dốc Miếu, rồi Đồng Trị, Tà Cơn... Từ những câu chuyện mà đất đai, sông núi vẫn âm thầm lặng kể, cứ mong manh như gió thoảng nhưng ám ảnh khôn cùng.

Sao em chưa kể?...

Tôi yêu mảnh đất này như chính mình đã sinh ra ở đây vậy. Thật lạ lùng, nhưng chẳng ngạc nhiên chút nào cả, phải không em. Có ở nơi nào trên đất nước này mà đất với người lại nặng nợ, nặng tình như ở đây không?...

Và cả với em cũng thế...

Đêm! Một đêm nghỉ lại giữa lòng thị xã, bên chân thành cổ, tại Tố Linh Đường. Có gì đó như là tiếng vọng lên từ đất, từ xa xăm những ngày qua... Phải rồi, mình đang nằm áp lưng vào đất, mà ở mảnh đất Quảng Trị này không phải chỉ có những tuổi đôi mươi thành sóng nước như lời người cự binh kia vừa nhắc nhủ, mà còn biết bao nhiêu nữa những tuổi đôi mươi đã thành đất đai, bờ bãi, thành hoa thắm lá xanh, thành tiếng chim ca trong những buổi bình minh yên bình mà mỗi ngày ta đón nhận. Đất đai đã kể và sẽ còn mãi kể để rồi lòng ta với mảnh đất này từ ấy cứ nâng niu...

MỚI - NÓNG