"Hiện ở Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp ethanol". Đó là khẳng định của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2018. Thực tế, Việt Nam có tới 7 nhà máy sản xuất cồn sinh học (ethanol – E100) để phối trộn với xăng truyền thống (RON 92, RON 95) tạo ra xăng E5. Nhưng nhiều nhà máy đã phải đóng cửa chỉ sau vài tháng hoạt động.
Nhà máy ethanol Đại Việt (Đắk Nông) đã dừng hoạt động tháng 4/2013. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đại Việt. Nhà máy hoàn thành năm 2011, công suất thiết kế đạt 50.000 tấn ethanol/năm. Tổng vốn đầu tư là 500 tỷ đồng.
Nhà máy ethanol Đắk Tô (Kon Tum) hoạt động cầm chừng và đóng cửa vào năm 2014. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi. Công suất thiết kế của nhà máy là 50.000 tấn ethanol/năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
Nhà máy ethanol Đại Tân (Quảng Nam) khánh thành tháng 4/2011 và ngừng hoạt động vào tháng 7/2012. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đồng Xanh. Công suất thiết kế của nhà máy là 100.000 tấn ethanol/năm. Tổng vốn đầu tư là 575 tỷ đồng.
Năm 2015, Công ty TNHH Tùng Lâm đã mua lại nhà máy ethanol Đại Tân sau khi nhà máy bị bàn giao lại cho Ngân hàng BIDV để xử lý nợ. Dây chuyền thiết bị, máy móc han gỉ nhiều năm đã được cải tiến, thay mới. Năm 2017, ethanol Đại Tân đã hoạt động trở lại và trở thành nhà máy sản xuất thứ hai của Công ty TNHH Tùng Lâm. Nhà máy đầu tiên của doanh nghiệp này được xây dựng năm 2007, có công suất thiết kế kế 60.000 tấn ethanol/năm đặt tại tỉnh Đồng Nai.
Nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ) đã dừng thi công từ tháng 11/2011 sau khi khởi công vào tháng 6/2009. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (thành viên của Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOil). Công suất thiết kế là 70.000 tấn ethanol/năm. Tổng mức đầu tư phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng và được điều chỉnh tăng lên mức 2.484,9 tỷ đồng vào năm 2014.
Nhà máy ethanol Bình Phước hoạt động vào tháng 4/2012 nhưng đã dừng sản xuất từ tháng 8/2012. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Phương Đông - liên doanh giữa Itochu (49%), PVOil (29%), Licogi 16 (22%). Công suất thiết kế là 100.000 m3 ethanol /năm. Tổng mức đầu tư phê duyệt là 1.492,65 tỷ đồng nhưng đã sử dụng đến 1.742,76 tỷ đồng vào năm 2014.
Nhà máy ethanol Dung Quất hoạt động vào tháng 02/2012 và dừng sản xuất vào tháng 7 cùng năm. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung - liên doanh giữa Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (60%), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (30%), Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (10%). Công suất thiết kế là 100.000 m3 ethanol/năm. Tổng mức đầu tư phê duyệt là 1.493 tỷ đồng nhưng đã sử dụng đến 2.124 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, Bộ Công thương cho biết, nhà máy ethanol Bình Phước và Dung Quất đã được khởi động trở lại. Như vậy, năng lực sản xuất E100 của các nhà máy ethanol tại Việt Nam đã lên tới 400.000 m3/năm (gồm: 200.000 m3 từ 2 nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm; 100.000 m3 của nhà máy ethanol Bình Phước; 100.000 m3 của nhà máy ethanol Dung Quất).
Trong khi đó, cả nước tiêu thụ 593.000 m3 xăng E5 RON 92 trong 2 tháng đầu năm 2018. Lượng E100 cần thiết để pha chế số xăng này là khoảng 29.650 m3. Nếu việc tiêu thụ xăng E5 RON 92 trong cả năm 2018 tiếp tục diễn biến như 2 tháng đầu năm, lượng xăng E5 RON 92 bán ra sẽ đạt mức 3.558.000 m3. Nhu cầu E100 để pha chế là khoảng 177.900 m3. Con số này chỉ bằng 44% mức công suất tối đa mà 4 nhà máy có thể cung cấp (400.000 m3/năm)
Ý kiến chỉ bán xăng E5 RON 92 và E5 RON 95, ngưng bán xăng RON 95 đã được Saigon Petro đưa ra trong cuộc họp ngày 24/4/2018 giữa Bộ Công thương với các đầu mối xăng dầu.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, đó chỉ là đề xuất của doanh nghiệp. Quyết định cuối cùng phải được xem xét trên 2 yếu tố: Thứ nhất, trong thời điểm hiện nay, ethanol (E100) để phối trộn thành E5RON92, E5RON95 có đủ hay không? (vì hiện ở Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp ethanol), ngoài lượng ethanol nhập khẩu. Thứ hai, giá ethanol đó có hợp lý, cạnh tranh hay không?
"Chúng tôi sẽ tổng hợp, tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan và báo cáo Chính phủ theo đúng tình hình thực tiễn hiện nay. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm an ninh năng lượng, quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường.... để nếu chúng ta áp dụng chỉ bán xăng E5 RON 92 và E5 RON 95 thì sẽ không vi phạm các mục tiêu, nguyên tắc mà tôi đã nêu ở trên" – Thứ trưởng Bộ Công thương nói.
Thông báo 255 của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 06/06/2017 nêu rõ, Bộ Công thương cần tính toán lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi để thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 92, tiếp tục triển khai xăng E10.
Trước đó, mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học đã trở thành nội dung của Quyết định 177 ban hành ngày 20/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo "Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống" (Lộ trình 53, ban hành ngày 22/11/2012), xăng E10 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc từ 01/12/2017.