Đề xuất xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm: Lãng phí?

Đề xuất xây nhà hát 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm: Lãng phí?
TP - Thông tin UBND TPHCM trình Hội đồng Nhân dân Thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, đang là chủ đề được dư luận bàn tán sôi nổi nhiều ngày qua.

Một thông tin làm nức lòng những khán giả yêu dòng nhạc bác học ở ta (tuy lực lượng này cực kỳ khiêm tốn): Ủy ban Nhân dân TPHCM vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Thông tin này vừa được công khai trên phương tiện truyền thông đã ngay lập tức được luận bàn sôi nổi. 

Ý kiến nhận được hàng ngàn đồng tình: “Chưa cần thiết. Dành tiền hoàn thiện mạng lưới giao thông trước đã”.

Những phản đối tương tự: “Còn biết bao nhiêu công trình, biết bao vấn đề cần đến kinh phí để giải quyết. Ấy vậy mà không được ưu tiên. Trong khi xây cái nhà hát tính thực tiễn của nó lại không cao chút nào”; “Một công trình gây lãng phí, bỏ ra 1.500 tỷ để phục vụ một thiểu số người nghe được nhạc giao hưởng là không đáng, trong khi những người nghe nhạc giao hưởng đó cũng cần phải sử dụng các dịch vụ hạ tầng của thành phố. Vậy chi bằng lo hạ tầng thành phố cho tất cả mọi người còn hơn”…  

Bên cạnh những người thấy cần “bánh mì” hơn “hoa hồng” thì có một bộ phận không nhỏ đưa ra lí lẽ: Không cần thiết bỏ 1.500 tỷ xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch vì “dân ta có thích nhạc giao hưởng đâu”. Với dòng âm nhạc bác học kén người nghe có nên “vung tay” đầu tư, chi bằng đầu tư cho sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương?... Tất nhiên cũng có những bình luận ủng hộ xây dựng Nhà hát nhưng con số đó không nhiều.

Những bàn luận quanh việc nên hay không nên đầu tư một khoản tiền lớn để xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch phản ánh thái độ của một bộ phận không nhỏ khán giả Việt với dòng âm nhạc bác học. Không ít nghệ sỹ của dòng âm nhạc này đã lên tiếng khẳng định: Tầm vóc âm nhạc của một quốc gia không thể dựa vào kho tàng ca khúc. Song những tiếng nói ấy cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. Người ta vẫn đổ xô tung hô ca khúc. Đến mức một số nghệ sỹ của dòng nhạc thính phòng vì “cơm áo gạo tiền” cũng chạy sang những dòng nhạc dễ lấy lòng “thượng đế”. Đó là một thực tế đau lòng.

Trao đổi điều này với một nhạc sỹ của dòng âm nhạc bác học, anh hài hước nói: “Nếu xây dựng thực hiện minh bạch, không vướng nạn tham nhũng thì nên xây 3 nhà hát như thế”. Vị nhạc sỹ cung cấp thông tin: Nước Pháp vừa xây phòng hòa nhạc hơn 1 tỷ đô. Cả Paris có đến 30 phòng hòa nhạc. Cớ gì “Hòn ngọc Viễn Đông” lại không có lấy một nhà hát xứng tầm? Nhìn sang nước bạn trong khu vực, anh than thở: “Dân Thái, Malai, Indo… trình độ nhạc cổ điển đều vượt Việt Nam cả rồi”.

Nếu thế hệ này chưa kịp trang bị những kiến thức cơ bản để thưởng thức nhạc giao hưởng thì nhà hát giao hưởng mọc lên để chào đón khán giả trẻ, có sao? Dù sao, khán giả vẫn nên cho mình có nhiều cơ hội lựa chọn “món ăn tinh thần”. Hơn nữa, đầu tư cho nghệ thuật đích thực không nên quá cân, đong, đo, đếm. Chẳng có lí gì, khi cửa nhà khang trang, giao thông không tắc nghẽn, người ăn xin trên phố không còn… mới có thể nghĩ đến nhạc giao hưởng? 

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.