Đề xuất xây cao ốc ở ga Hà Nội: Đưa đáp số trước đề bài?

KTS. Nguyễn Việt Huy cho rằng Hà Nội đang làm ngược quy trình với ga Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.
KTS. Nguyễn Việt Huy cho rằng Hà Nội đang làm ngược quy trình với ga Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy, Tiến sĩ Quy hoạch đô thị Đại học Paris Pantheon từng phản đối ý tưởng di dời ga Hà Nội, tiếp tục bày tỏ sự không đồng tình với cách làm của Hà Nội đề xuất xây cụm cao ốc 70 tầng tại vị trí nhà ga lịch sử này.

Anh từng phát biểu trên Tiền Phong rằng không đồng tình di dời ga Hà Nội mà nên tận dụng không gian ba chiều với nhà ga trăm tuổi này. Anh vẫn giữ vững lập trường?

Việc di dời ga đương nhiên sai lầm. Tất cả giới chuyên môn, cộng đồng đều không đồng ý, bởi vì trong quy hoạch từ xưa tới nay người ta đều tôn trọng vị trí đó là ga trung tâm. Tuy nhiên mỗi thời mỗi khác, tuỳ mật độ tăng dân số và mức tăng dân số của mỗi thời kỳ chúng ta có quy hoạch phụ hợp. Cho dù dân số tăng thế nào đi nữa vị trí đó vẫn phải là ga trung tâm, hay chính xác hơn là ga trung chuyển lớn nhất trong thành phố.

Khi Ga Hà Nội trở thành ga trung tâm, chúng ta phải có nhiều ga lớn phục vụ các đường tàu với nhiều tốc độ khác nhau như Ngọc Hồi, Gia Lâm, Nhổn, Hưng Yên… Chúng ta may mắn có cơ sở hạ tầng do người Pháp để lại rồi, bây giờ chỉ có sửa chữa và nâng cấp. Như vậy đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Không di dời ga nhưng Hà Nội đề xuất xây cụm cao ốc 70 tầng tại vị trí này, anh thấy sao?

Đây chính là sai lầm của thành phố, nên nó vấp phải sự phản ứng dữ dội của giới chuyên môn và cộng đồng. Một cách làm vội vàng và hấp tấp. Tôi tham gia nhiều dự án quy hoạch nên thấy được rằng bước quan trọng nhất là lập nhiệm vụ quy hoạch thì thường không được chú trọng, làm cho qua quýt, thậm chí lập nhiệm vụ quy hoạch sau khi quy hoạch xong-có nghĩa lấy luôn thuyết minh quy hoạch làm nhiệm vụ quy hoạch. Điều này dẫn đến duy ý chí, bởi điều đó chỉ đúng với ý chí của nhà chuyên môn lập quy hoạch chứ chưa chắc đúng với mong muốn của thành phố, cộng đồng.

Bước lập nhiệm vụ quy hoạch là lúc tất cả cơ quan ban ngành từ hành chính đến cộng đồng, nhà chuyên môn tham gia góp ý và đưa ra đề bài, xong xuôi rồi lời giải nào hay nhất sẽ được chấp nhận. Đấy mới là cách làm việc chuyên nghiệp các nước phát triển thế giới họ vẫn làm. Có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước chỉ can thiệp vào bước lập nhiệm vụ quy hoạch. Sau đó họ cần nhờ các nhà chuyên môn có kinh nghiệm trên thế giới, trong nước để giải bài toán đó.

Theo anh khu vực này có thể chịu được công trình bao nhiêu tầng thì hợp lý?

Chưa có đề bài hay thì không bao giờ có lời giải tốt. Đề bài có thể mở, đóng nhưng quy hoạch vẫn phải giữ lại những thứ tồn tại và phát triển tới ngày nay. Tôi không quan tâm 40 hay 70 tầng. Nhà ga Montparnasse có tổ hợp công trình 70 tầng giữa thủ đô Paris, nhưng họ vẫn giải quyết được tất cả các vấn đề về hạ tầng đối với nhà ga. Công trình ga Hà Nội sẽ trở thành như thế nào là câu chuyện của nhà chuyên môn tranh luận. Việc đầu tiên phải nghĩ tới chính là vấn đề cốt lõi-ga Hà Nội là một nhà ga, khi đó phải đảm bảo chức năng thông suốt về giao thông, trung chuyển với hệ thống từ các đường với nhau, liên kết bên trong bên ngoài ra sao. Bài toán quy hoạch do các nhà chuyên môn đề ra vì sao 40, 70 tầng, hoặc không được phép xây cao tầng họ phải đưa ra lí do. Lí do đó vừa đáp ứng đề bài, phải được hội đồng thẩm định phê duyệt, báo cáo trước thành phố, cộng đồng.

Cảm ơn anh!

KTS.TS Nguyễn Việt Huy-bằng kiến trúc sư do Chính phủ Pháp cấp, Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường ĐH Xây dựng- cho rằng phải tận dụng không gian ba chiều, phân tầng tốc độ tàu khi nghiên cứu quy hoạch và phát triển nhà ga Hà Nội thành ga trung chuyển lớn nhất Hà Nội và khu vực lân cận. Về hướng này, KTS. Huy lấy ví dụ cách phát triển của một số nhà ga ở Paris. Giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng gia tăng ở đô thị, KTS. Huy nhấn mạnh tới việc quy hoạch và cải tạo không gian cho giao thông công cộng.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.