Đề xuất xây cao ốc 70 tầng khu ga Hà Nội: Vì sao phá vỡ quy hoạch?

Đề xuất xây cao ốc 70 tầng tại khu vực ga Hà Nội là phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đề xuất xây cao ốc 70 tầng tại khu vực ga Hà Nội là phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Giữa thời điểm Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, dân cư nội đô tăng chóng mặt thì việc đề xuất xây các công trình từ 40-70 tầng ở khu vực hạn chế chiều cao được các chuyên gia cảnh báo sẽ tác động lớn đến công tác quản lý đô thị. Trong khi đó, một số nhà đầu tư sẽ tham gia dự án bất động sản (BĐS) ở khu vực này cho rằng, việc nâng tầng vượt “trần” mới chỉ là điều kiện cần.

Lo ngại điểm nhấn “vượt trần”

Trao đổi với PV Tiền Phong, trước nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất xây dựng hàng loạt công trình trung tâm tài chính, khu thương mại quốc tế, khu nghỉ dưỡng đô thị…, tại khu vực ga Hà Nội và phụ cận với công trình cao từ 40 -70 tầng, lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố cho biết, hiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000, thành phố đang lấy ý kiến các bộ ngành. Còn muốn làm rõ thì phải hỏi Sở Quy hoạch-Kiến trúc, đơn vị được giao lập quy hoạch. Vị này cũng cho rằng, thông tin đã có nhiều nhà đầu tư BĐS đăng ký tham gia thực hiện các dự án theo Đồ án đề xuất là không chính xác.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng, phải căn cứ theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng duyệt và gần nhất là “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội” do Hà Nội ban hành năm 2016. Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã nhiều lần nghiên cứu cải tạo chỉnh trang khu vực ga Hà Nội, phố Trần Quý Cáp gắn với khu vực Văn Miếu- Quốc Tử Giám mà lần gần đây nhất là năm 2011 song chưa thành cũng là do có nhiều ý kiến không đồng thuận việc phá dỡ công trình cũ có giá trị.

Ông Nghiêm phân tích, Đồ án đề xuất xây dựng công trình cao 40- 70 tầng nhưng lại gặp giới hạn chiều cao công trình ở khu vực 4 quận nội đô lịch sử đã được phê duyệt. Ngay tại khu vực hồ Linh Quang (khu vực nội đô lịch sử), gần di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu vực hạn chế xây dựng công trình nhà ở cao tầng thì việc đề xuất xây công trình điểm nhấn cao 200m (60-70 tầng-PV) ở phía Tây Bắc hồ Linh Quang là không hợp lý. “Thành phố đã ban hành quy chế quản lý nhà cao tầng nội đô với quy định các khu vực không được phép hay hạn chế xây dựng công trình cao tầng (giới hạn tầng cao tối đa tập thể cũ Văn Chương chỉ 18 tầng), không hà cớ gì lại đi nâng vượt trần nó lên. Nâng chiều cao, tăng số dân cư sẽ có tác động rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật của khu vực đó. Hạ tầng đã quá tải sẵn, giờ thêm dân vào ở nữa thì lại càng quá tải. Ở đây không phải là bài toán của nhà đầu tư mà là bài toán của chính quyền đô thị”, ông Nghiêm nói.

Đại diện Hội quy hoạch Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ở các nước phát triển hầu hết có các công trình nhà ga trung tâm lớn gắn với các công trình thương mại, dịch vụ đồng bộ phục vụ người dân chứ không phát triển thành khu đô thị, khu nhà ở. Đưa ra các phương án xây dựng các khu nhà cao tầng từ 40- 70 tầng ở khu vực này, trong đó sẽ tái định cư tại chỗ cho hơn 40.000 người là một bài toán hết sức tốn kém, chưa hẳn đã hiệu quả. Tôi cũng không hiểu sao thành phố không tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng ở các khu vực, các quận đang có hiện nay mà cứ muốn khai thác các khu đất “vàng” nội thành còn lại. Đặc biệt, tạo ra những điểm nhấn vượt quy hoạch với việc cho phép có công trình cao trên 40 tầng ở khu vực hạn chế chiều cao. Điều này khiến dư luận đặt ra lo ngại về những công trình điểm nhấn này sẽ tạo ra cơ chế xin - cho quy hoạch”, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam phát biểu.

Chọn BĐS hay phát triển bền vững?

Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, trong Đồ án đưa ra con số hơn 23.000 tỷ đồng để thực hiện thì chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị trong phạm vi quy hoạch đã chiếm phần hết (với khoảng 20.000 tỷ đồng). Điều đó cho thấy BĐS là nguồn chính để thu hút vốn đầu tư làm các dự án hạ tầng hiện nay của Hà Nội. “Lâu nay, Hà Nội phát triển nóng BĐS, lo xây nhà cao tầng trong nội đô. Nhiều người nói, thay vì phục vụ cho nhà đầu tư BĐS, thành phố nên phát triển bền vững. Theo tôi đối với Đồ án này thành phố cần có ý kiến của các chuyên gia kinh tế trong vấn đề giải bài toán về nguồn vốn thực hiện”, KTS Tùng nêu ý kiến.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Cty CP GP. Invest, một trong những nhà đầu tư được Hà Nội giao cho việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ Văn Chương (quận Đống Đa)- khu vực mà Đồ án trên đang đề xuất cho xây dựng các khu nhà ở, cho biết: “Khu tập thể chung cư cũ Văn Chương thuộc khu tái thiết đô thị với quy hoạch tối đa là cao 18 tầng và chiều cao tối đa 65m thì nhà đầu tư không thể làm nổi”.

Theo ông Hiệp, khu tập thể Văn Chương với nhiều khu nhà cũ nát lâu năm, không có đường đi lối lại thuận lợi nếu không có sự quy hoạch lại đồng bộ thì rất khó thực hiện. “Ngoài khó khăn trong hệ số đền bù, khu tập thể Văn Chương có cái khó là có hơn 300 nhà mặt đất, liền kề. Thậm chí có nhà đẹp bên cạnh khu chung cư xập xệ. Cái này phải đền bù thế nào? Bây giờ thành phố đề xuất tăng mật độ xây dựng, chiều cao cho khu vực lên 40 tầng cũng không phải là điều kiện đủ mà chỉ là điều kiện cần. Chúng tôi đã được thành phố giao được 1 năm và hiện đang làm điều tra xã hội học, nhưng không phải dễ làm”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Phát triển đường sắt hay bán hạ tầng?

TS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn cho rằng, lâu nay các đô thị vẫn thường phát triển thiếu kiểm soát mọi mặt vì thiếu định hướng, thiếu quy hoạch. Tuy nhiên với Hà Nội, sau nhiều năm phát triển nóng về nhà cao tầng, dân số và mật độ phương tiện, từ đầu năm 2016 Hà Nội đã có quy hoạch GTVT. Lẽ ra, khi đã có quy hoạch và Hà Nội cũng là một đơn vị soạn thảo thì sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lãnh đạo thành phố phải gương mẫu, tuân thủ nghiêm túc. Vậy nhưng chỉ sau 1 năm quy hoạch GTVT có hiệu lực, toàn bộ hiện trạng, mục tiêu phát triển ga Hà Nội gần như bị thay đổi hoàn toàn khi thành phố Hà Nội đề xuất lập đồ án phát triển với phạm vi từ 15 ha lên 98 ha cùng với đó là cho xây công trình cao đến 70 tầng. Quy hoạch phải thể hiện sự ổn định, lâu dài và mang tính pháp lý quốc gia cao nhất, thậm chí quốc tế, vì vậy không phải chính quyền địa phương, không phải thích là thay đổi, điều chỉnh lại. “Hạ tầng đô thị sẽ như thế nào nếu ta làm quy hoạch theo kiểu sáng trình, trưa duyệt, chiều thay đổi. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn môi trường kinh doanh tại Việt Nam ra sao khi ta thực hiện quy hoạch như vậy”, ông Quảng đặt câu hỏi.

Cách làm ngược

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, Hà Nội đang thực hiện quy hoạch vận tải ngược với các thành phố phát triển. Tại Bangkok, Seoul… khi cải tạo, nâng cấp ga đường sắt, họ đều di dời dân ra khỏi ga, cùng với đó xây dựng toàn bộ hệ thống đường sắt tiếp cận ga từ các hướng đi ngầm hoặc trên cao. Riêng Bắc Kinh thì di dời ga trung tâm ra ngoại thành và xây dựng thành 2 nhà ga đường sắt lớn nhất Trung Quốc là ga Bắc và ga Nam Bắc Kinh. “Nếu có tầm và có tâm, lãnh đạo thành phố Hà Nội nên phát triển ga Hà Nội theo đúng quy hoạch. Cùng với đó huy động nhà đầu tư tập trung cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống đường sắt tiếp cận ga Hà Nội theo hướng đi ngầm hoặc đi trên cao để giảm ùn tắc cho giao thông, đồng thời nâng tốc độ chạy tàu chứ không thực hiện quy hoạch theo kiểu bán đất, hạ tầng ga cho doanh nghiệp”.   

Trọng Đảng

MỚI - NÓNG