Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên mua sách cho học sinh vùng khó khăn mượn Ảnh: Quỳnh Anh |
Mua sách cho 70% học sinh mượn
Tại hội thảo về SGK giáo dục phổ thông mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đơn vị đang đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỷ đồng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Khi đó, sách mượn sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh. Các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Theo ông Thưởng, Bộ GD&ĐT đã giao bộ phận chuyên môn tính toán và đưa ra ba phương án, gồm: trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, mua sách cho 70% nhu cầu và chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi phân tích, tính toán, Bộ đã lựa chọn phương án sẽ mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn, đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học.
“Nếu thực hiện, sẽ giải quyết được những bức xúc về giá SGK”, ông Thưởng nói. Theo kế hoạch, nếu phương án này được phê duyệt, sẽ áp dụng cho năm học 2023-2024.
Trên thực tế, năm học nào cũng có chuyện học sinh thiếu SGK, nhất là vùng khó khăn, phụ huynh không có điều kiện để mua sắm sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập cho con. Tuy nhiên, cũng ở nhiều nơi, phụ huynh cùng lúc đăng ký mua 2 bộ, trong đó 1 bộ để ở trường, 1 bộ để ở nhà nhằm giảm tải ba lô trên lưng con.
Ông Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), từng chia sẻ, hằng năm, trước khi khai giảng năm học mới, hiệu trưởng và các thầy cô giáo phải đôn đáo đi xin SGK cho học sinh.
“Ở vùng khó, nhiều phụ huynh giao con cho nhà trường, không có sách vở học tập. Thương các em, các thầy xin chỗ này sách mới, chỗ kia sách cũ để các con có đủ sách đến trường”, ông Điệp nói.
Thế nhưng, từ khi áp dụng chương trình SGK mới, với chủ trương mỗi địa phương lựa chọn các bộ sách khác nhau, câu chuyện “xin - cho” sách cũ không hề đơn giản.
Cuối năm học 2021-2022, một số trường tại Hà Nội vận động học sinh quyên góp SGK cũ để gửi học sinh vùng khó, nhưng chỉ có sách lớp 8-9 THCS và lớp 4-5 bậc tiểu học (chương trình hiện hành) có thể gửi đến bất kỳ trường nào, còn SGK lớp 6-1-2 (chương trình mới), học sinh ở Hà Nội học khác với các địa phương khác nên khó có thể cho đi. Việc này dẫn đến tình trạng SGK chỉ dùng 1 lần rồi có nơi bỏ xó, nơi thiếu vẫn thiếu.
Thiếu chỗ chứa sách
Bà Đặng Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho rằng, nhìn nhận ở góc độ tích cực, dù học SGK khác nhau, học sinh Hà Nội vẫn có thể cho sách để các em ở trường thuộc vùng khó tham khảo nhằm tránh lãng phí. Vì cùng một nội dung nhưng các tác giả, nhà xuất bản khác nhau có cách tiếp cận, góc nhìn khác nhau rất thú vị, khuyến khích cả giáo viên và học sinh tham khảo nhiều đầu sách càng tốt.
Bộ GD&ÐT cho biết, hiện nay việc lựa chọn SGK thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra, vẫn có địa phương ban hành quyết định danh mục SGK được lựa chọn chậm dẫn đến tình trạng thiếu sách. Bộ sẽ có giải pháp để khai thác hiệu quả hình ảnh, ngữ liệu và giảm giá thành SGK.
Nhiều trường học ở Hà Nội hiện nay chỗ học còn chưa đáp ứng đủ cho học sinh, vậy khi Nhà nước trích ngân sách mua một lượng sách khổng lồ (vài ba nghìn bộ) về sẽ để vào đâu?
Với các đầu sách được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, năm nay trường có thể chọn đầu sách này nhưng sau 1 năm dạy học thấy sách khác hay hơn, trường hoàn toàn có thể đổi thì sách đó hết giá trị.
“Tại sao Bộ GD&ĐT không tính đến chuyện số hóa, tặng cho các trường thư viện thông minh. 100% các lớp học có máy chiếu kết nối Internet sẽ thuận lợi cho thầy trò dạy học, thay vì mua SGK về không có chỗ chứa”, bà Hà nói.
Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), bà Tô Thị Hải Yến, cũng cho rằng, phương án trích ngân sách nhà nước mua SGK chỉ nên áp dụng cho vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn, còn những nơi như thành phố, trường học thuận lợi, việc này không cần thiết. Mỗi học sinh đến trường rất cần có một bộ SGK riêng để học trên lớp và mang về nhà tra cứu, đọc lại một cách chủ động. Nếu mua sách để thư viện cho mượn, nhiều học sinh sẽ mất đi niềm vui có được bộ sách mới trước thềm năm học mới.
Sách đưa vào thư viện mượn thì chỉ được năm đầu tiên sách mới, những năm sau sẽ thành sách cũ, học sinh không hứng thú.
“Thực tế, ở vùng thuận lợi vẫn có học sinh khó khăn, tuy nhiên đa số cha mẹ cũng mong muốn được mua cho con bộ sách mới để tới trường. Thư viện nhà trường cũng không thể chứa cùng lúc 3.000 - 4.000 bộ sách”, bà Yến nói.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, nói rằng, địa phương nào cũng có người thu nhập khá giả, trung bình và khó khăn. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền mua 2 bộ sách để con không phải “cõng” đi “cõng” về. Trong khi đó, nhiều người khó khăn kêu SGK giá quá cao.
Vì thế, không nên áp phương pháp cào bằng cho tất cả mọi người. Ông Khang ủng hộ phương án mua sách đưa vào thư viện nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu mượn của một bộ phận phụ huynh nghèo, chưa có điều kiện mua sách cho con.
Liên quan vấn đề giảm giá SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản phí trung gian để giảm chi phí, đảm bảo sách có giá thấp nhất. Bộ GD&ÐT cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, ông Nguyễn Quốc Khanh, cho biết, tại địa phương, một số trường học ở vùng khó, học sinh khó khăn, thiếu SGK. Nếu trích ngân sách mua sách cho học sinh ở các trường này mượn học sẽ rất tốt. Hằng năm, nhà trường sẽ yêu cầu học sinh không viết, vẽ bậy vào sách cũng như giữ gìn cho các em khóa sau.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, cho rằng, phương án mua SGK cho học sinh mượn rất có ý nghĩa đối với học sinh miền núi, vùng khó khăn, một bộ phận học sinh nghèo.
Tuy nhiên, để tránh lãng phí, trước khi thực hiện, các địa phương nên khảo sát, tính toán nhu cầu thực tế, sau đó mới có kế hoạch phân bổ, chi cho mua SGK, không nên cào bằng, chia đều cho các địa phương.