Mới đây, nhiều phụ huynh ở Trường mầm non Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) bức xúc phản ánh việc họ phải đóng quỹ 500.000 đồng/trẻ để mua thêm thiết bị, đồ dùng học tập. Thế nhưng, sau đó, Trường mầm non Cự Khê yêu cầu, nộp 50% số tiền về cho trường để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và 50% giữ lại lớp để mua sắm thiết bị.
Không đồng tình với phương án đó, phụ huynh đã kiến nghị lên cấp trên. Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai đã phải có buổi làm việc với nhà trường và yêu cầu nhà trường rút kinh nghiệm. Các khoản tiền xã hội hoá phải thực hiện đúng quy định và có sự đồng thuận của phụ huynh.
Cứ đầu năm học, phụ huynh lại oằn mình “cõng” nhiều loại phí. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh có con năm nay lên lớp 6, một trường THCS công lập tại Hà Nội “kêu trời” vì mới đầu năm học đã phải đóng rất nhiều loại phí. Theo chị Hạnh, sau khi họp phụ huynh, mỗi học sinh đóng 1,8 triệu tiền quỹ lớp, hơn 2 triệu tiền đồng phục, chưa kể các khoản học câu lạc bộ và học thêm. Riêng tiền quỹ lớp dù Ban phụ huynh đứng ra thu và mua các khoản nhưng vì học đầu cấp, phải mua cả điều hoà, cây nước nóng lạnh, tủ đựng đồ cho giáo viên… “Nếu tính sơ gồm cả tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập từ đầu tháng 9 đến nay mỗi con đã khoảng chục triệu đồng”, chị Hạnh nói.
Cũng theo chị Hạnh, ngay trong buổi họp phụ huynh đầu năm, đại diện cha mẹ học sinh của lớp đã đứng dậy “nhờ” cô giáo dạy thêm kiến thức cho các con dù ở trường con đã học ngày 2 buổi. Ngay sau đó, một tờ danh sách có tên học sinh của lớp được lập sẵn, phụ huynh chuyền tay nhau đăng ký học thêm tuần 2 buổi, một buổi ngay sau giờ học và 1 buổi rơi vào cuối tuần.
“Riêng mình muốn con đã học cả tuần, cuối tuần cho con nghỉ ngơi đi đá bóng, bơi lội nhưng cả lớp học thêm, không muốn một mình con nghỉ đành ký cho con bằng bạn bằng bè và dĩ nhiên mỗi tháng sẽ mất thêm gần 2 triệu cho học thêm”, chị Hạnh nói.
Còn chị Đào Thị Hà Thu ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có con học ở bậc THCS cũng khá bức xúc khi cho rằng, nhà trường thông báo mua SGK đầu năm nhưng khi nhận về có thêm 5 quyển tài liệu tham khảo đính kèm. Giá sách tài liệu tham khảo không quá cao nhưng chị cảm thấy không vui vì cách làm của nhà trường. Nếu con mua về học đã đành, những năm trước đến cuối năm tập sách tham khảo vẫn mới nguyên trên giá. Ngoài ra, chị Thu cũng ấm ức vì đầu năm phải đóng nhiều khoản thu, trong đó nhà trường tổ chức cả bộ môn học Toán bằng Tiếng Anh với giá 280.000 đồng/tháng; quỹ lớp 1,5 triệu/học sinh.
"Nếu so với lương viên chức 5-6 triệu đồng/ tháng/ người thì hiện nay mỗi nhà có 1-2 con đi học, phải chi các khoản như: tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tài liệu đi kèm, quỹ lớp, học thêm, tiền ăn bán trú, tiền học buổi 2, học kỹ năng sống… như hiện nay là đang chi rất lớn và người dân khó lòng đáp ứng được", TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nói.
Nhiều địa phương “siết” khoản thu
Để tránh chuyện lạm thu, đầu năm học UBND TP Hải Phòng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu cho khối trường công lập. Theo đó, các trường không được thu khống, thu tăng lên.
Cụ thể, địa phương này quy định các loại tiền phụ huynh phải đóng gồm: tiền ăn 30.000 đồng/ngày/học sinh tiểu học, mầm non; 35.000 đồng/ngày đối với học sinh THCS – THPT; người chăm sóc bán trú 150.000 đồng/trẻ/tháng; quản lý học sinh ngoài giờ hành chính đối với tiểu học, mầm non là 10.000 đồng/giờ. Dạy học thứ 7 cho trẻ mầm non nếu phụ huynh có nhu cầu có mức thu không quá 50.000 đồng/trẻ/ngày. Dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học có mức thu 30.000 đồng/học sinh/tháng.
Về phần học thêm, Hải Phòng cũng áp mức giá để các trường thu thống nhất, trong đó quy định học sinh thuộc quận học thêm toán tư duy, tin học, kỹ năng sống nộp 12.000 đồng/tiết; học sinh thuộc huyện nộp 10.000 đồng/ tiết…
Khoản tiền mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú, trong đó có khoản mua sắm vật dụng dùng chung và đồ dùng cá nhân, nếu trẻ mới tuyển hoặc trang bị lần đầu sẽ đóng 360.000 đồng/năm. Các năm học tiếp theo chỉ đóng 200.000 đồng.
Tương tự, đầu năm học Sở GD&ĐT Nam Định cũng hướng dẫn các trường về việc thu chi theo nguyên tắc không sử dụng khoản thu dịch vụ này chi cho dịch vụ khác. Ví dụ: thu dịch vụ chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè: 30.000 đồng/trẻ/ngày; dạy thêm, học thêm các môn văn hoá; dạy kỹ năng sống trong các trường THCS đối với nông thôn thu 4.000 đồng/học sinh/tiết; thành phố thu 5.000 đồng/học sinh/tiết; chăm sóc bán trú thu tối đa: 100.000 đồng/trẻ (học sinh)/tháng….
TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, sau đại dịch COVID-19, thực tế nhiều phụ huynh rất khó khăn, mất việc. Chưa tính các trường tư có mức thu thoả thuận thì trường công cũng cần có giải pháp để hạn chế lạm thu, không để tình trạng tiền học thêm cao gấp nhiều lần học phí.
“Nếu so với lương viên chức 5-6 triệu đồng/ tháng/ người thì hiện nay mỗi nhà có 1-2 con đi học, phải chi các khoản như: tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tài liệu đi kèm, quỹ lớp, học thêm, tiền ăn bán trú, tiền học buổi 2, học kỹ năng sống… như hiện nay là đang chi rất lớn và người dân khó lòng đáp ứng được”, ông Dong nói.
Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT quy định, cha mẹ học sinh không được quyên góp các khoản liên quan đến: bảo vệ cơ sở vật chất trường học; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường lớp… Thay vào đó, trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã thống nhất ý kiến với các phụ huynh.