Đại tá Trần Văn Luân (Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Nam Định) cho rằng, việc tịch thu phương tiện theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là chưa cho phép. Phương tiện do đi mượn, thuê, trộm cắp, xe công… thì sẽ tịch thu như thế nào? Là người từng phá nhiều vụ án hình sự, đại tá Luân cho rằng, đến án hình sự, nếu xác định tang vật do thủ phạm mượn cũng phải trả lại cho chủ sở hữu, huống gì vi phạm hành chính.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội nói, việc sử dụng rượu bia quá nồng độ đã gây ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thế nhưng khi đề xuất phương án xử lý cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý. Theo đại tá Thắng, đối với người Việt Nam, phương tiện không chỉ để đi lại mà nó còn là tài sản của người dân vì thế không dễ gì mà tịch thu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền pháp luật ATGT (Phòng 4 - Cục CSGT) khẳng định, lực lượng CSGT đã làm hết mình và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Đối với đề xuất tịch thu phương tiện, theo trung tá Nhật, đề xuất có ý tốt nhằm giảm tai nạn giao thông, tuy nhiên về việc này cần lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, đặc biệt là người dân.
Cũng theo ông Nhật, để giảm nguy cơ về tai nạn giao thông chúng ta nên triển khai đồng bộ các giải pháp từ văn bản quy phạm pháp luật, hạ tầng và con người. Cả nước hiện có khoảng 500km đường cao tốc, thế nhưng nhiều đoạn không có hào, rào chắn, không có đường dân sinh khiến người dân mở đường cắt ngang, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ngoài ra, tại các tuyến phố như Hà Nội, TPHCM…, vỉa hè, lòng đường bị “xẻ thịt” để kinh doanh, người đi bộ phải len lỏi xuống lòng đường. Thêm vào đó, lực lượng chức năng ở một số nơi, bộ phận vẫn còn nể nang, xử lý không nghiêm. “Nếu làm tốt những việc trên, tình hình tai nạn giao thông sẽ giảm một cách đáng kể, chưa cần phải tịch thu phương tiện” - trung tá Nhật nói.