Đề xuất thêm phương án thi cho mùa tuyển sinh tới: Tốn kém, mất công?

Đề xuất thêm phương án thi năm 2018
Đề xuất thêm phương án thi năm 2018
TPO - Bộ GD&ĐT vừa gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018. PGS. TS Nguyễn Văn Nhã - Nguyên trưởng ban đào tạo ĐH quốc gia Hà Nội cho rằng, phương án thứ hai của Bộ GD&ĐT là không cần thiết, vừa tốn kém lại mất công.

Bộ GD&ĐT vừa gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018.

Trong đó, có hai phương án. Thứ nhất là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017). Thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất.

Mất nhiều năm để có 1 ngân hàng đề thi chuẩn

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã đề xuất, Bộ GD&ĐT nên cố gắng giữ kỳ thi THPT quốc gia 2018 ổn định như kỳ thi năm 2017, để học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị, đỡ gây xáo trộn cũng như làm khó học sinh.

PGS.TS Nhã lí giải, phương án thứ hai được Bộ GD&ĐT gửi cho các trường lấy ý kiến, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thực chất là bài thi tích hợp, nó cũng chả khác gì 3 món đó chấm rời, nhưng cộng chia trung bình.

Ông Nhã cho rằng, đó là vấn đề kỹ thuật, không ảnh hưởng nhiều đến công tác xét tuyển.

“Nói là có phương án mới nhưng phương án 2 này chỉ như đĩa xôi ngũ sắc trông thế chứ bản chất vẫn là gạo nếp nhuộm phẩm khác nhau, vị có hơi khác chút nhưng nó vẫn là xôi”- Ông Nhã nhận định.

PGS Nhã cũng thẳng thắn cho rằng, trong giáo dục không được làm thế; cách thức và chương trình, quy trình phải ổn định. Như bảng giờ tàu ở châu Âu, hàng chục năm không thay đổi, người ta mới nhớ, mới có thói quen không bị nhỡ tàu. Việc đơn giản mà làm rối mù, phức tạp thì chẳng có hiệu quả, chỉ khổ học sinh

Đề xuất thêm phương án thi cho mùa tuyển sinh tới: Tốn kém, mất công? ảnh 1

PGS. TS Nguyễn Văn Nhã

“Như thế này thầy trò chưa kịp nhớ đã phải quên; món ăn chưa thấy béo bổ đã đem đổ sọt rác; vừa tốn kém, vừa mất công”- ông Nhã cho biết.

Cũng theo ông Nhã, trong vấn đề tuyển sinh, để có một ngân hàng đề thi chuẩn, phải mất nhiều năm. Còn ăn đong, bóc ngắn muốn cắn dài thì cắn đứt tay chứ ổn làm sao được.

“Bộ chỉ làm quản lý Nhà nước; các Sở giáo dục phải lo thi tốt nghiệp THPT; các hiệu trưởng bậc đại học, cao đẳng họ phải lo thi tuyển sinh chứ?”- Ông Nhã đề xuất.

Cũng theo ông Nhã, việc cần làm lúc này là Bộ GD&GD và cả Chính phủ, chỉ cần chỉ đạo làm tuyển sinh cho tốt, cho có chất lượng, rồi có kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ.

Thầy và trò có “sốc”?

Thầy Nguyễn Cao Cường, một giáo viên dạy Toán có tiếng của Hà Nội cho biết, công tác thi tuyển không nên xáo trộn ngay lập tức trong năm nay bởi việc tiến hành tổ hợp mới có 1 năm.

Năm 2018-2019 lại có lượng kiến thức nhiều hơn do có nội dung lớp 11 trong đề thi.

“Thay vì có thêm phương án mới, có lẽ nên thiết kế đề thi sao cho tính phân loại tốt hơn và việc tổ chức kỳ thi thật nghiêm túc, công bằng”- Thầy Cường nhấn mạnh.

Thầy Cường cũng phân tích, bên cạnh đó nếu tổ hợp 3 môn như vậy thì những trường đặc thù như Y Dược... sẽ khó chọn được thí sinh có kiến thức sâu về Hóa; Sinh.

Thầy Cường cho rằng, mọi phương án thi cần có chuẩn bị cần thiết để học sinh chuẩn bị. Nếu thay đổi luôn trong năm nay, đề xuất thứ hai này cố thì vẫn được nhưng có thể khiến học sinh và người dạy đều gặp khó và “sốc”.

MỚI - NÓNG