Uỷ ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính hay Chính phủ
Chiều 12/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Liên quan đến vấn đề địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong đó, 18/34 lượt ý kiến nhất trí mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, có 11/34 lượt ý kiến cho rằng, mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động
Một số ý kiến khác cho rằng, dù theo mô hình nào cũng cần bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động để có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán.
Về vấn đề này, Uỷ ban Kinh tế đưa ra ba phương án:
Phương án 1, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là phương án như Chính phủ đã trình nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ tại Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính).
Phương án 2, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền cho sát với pháp luật của những nước có mô hình tương tự. Cụ thể: UBCKNN thay Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký.
Chủ tịch UBCKNN phê duyệt Điều lệ của Sở giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký; bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên) của hai đơn vị này; phê duyệt việc Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Trưởng bộ phận giám sát giao dịch của Sàn giao dịch; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của Tổng Công ty lưu ký
Ngoài ra, để nâng cao vị thế, trách nhiệm của UBCKNN và người đứng đầu, bảo đảm vị thế khi phối hợp làm việc với cơ quan, Bộ, ngành và trong hợp tác quốc tế (tương tự như quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tại Luật Cạnh tranh), phương án này quy định: Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục quy định như Luật Chứng khoán hiện hành về việc “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Chính phủ quy định”.
Theo phương án này, UBCKNN tương đối bảo đảm tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán - IOSCO (nguyên tắc số 1, 2), khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức.
Còn phương án 3, UBCKNN độc lập, trực thuộc Chính phủ. Theo phương án này, UBCKNN có quyền chủ động xây dựng chiến lược, đề xuất chính sách với Chính phủ về chứng khoán; là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước của Sở giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký, có đầy đủ quyền hạn quản lý và giám sát toàn diện thị trường.
Việc UBCKNN trực thuộc Chính phủ bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các tổ chức hoạt động trung gian tài chính. Tuy nhiên, theo phương án này sẽ phát sinh thêm đầu mối trực thuộc Chính phủ.
Trước các phương án trên, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án 2.
Chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất
Về mô hình của Sở giao dịch chứng khoán, đa số ý kiến nhất trí chỉ có Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCK VN) và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia. Có ý kiến cho rằng mô hình SGDCK theo Đề án thành lập SGDCK Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ cần được thể chế vào Luật.
Về vấn đề này có 2 phương án:
Phương án 1: như Chính phủ đã trình tại Kỳ họp thứ 7
Phương án 2: chỉ có 1 Sở giao dịch duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án 2.