Đề xuất tăng phí để 'cứu' 37 dự án BOT: Mù mờ phương án tài chính

Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong các dự án đang có doanh thu tốt và vượt cả phương án tài chính.
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong các dự án đang có doanh thu tốt và vượt cả phương án tài chính.
TP - Với lý do lưu lượng phương tiện thấp, doanh thu không đạt theo phương án tài chính, Bộ GTVT vừa đề xuất tăng phí cho 37 dự án BOT. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong các dự án trên, có một số dự án có lưu lượng, doanh thu vượt cả phương án tài chính. 

“Cứu” 37 dự án BOT do sợ… phá sản

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương về nội dung sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT. Tổng cộng có 37 dự án được Bộ GTVT lấy ý kiến để đề xuất tăng phí trong thời gian tới. Lý giải việc này, đại diện Bộ GTVT cho rằng, thông tư của Bộ Tài chính quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm/lần. Trong các quyết định phê duyệt triển khai dự án BOT, Bộ GTVT cũng đưa ra nội dung: “Dự án được điều chỉnh tăng phí 3 năm/lần, mỗi lần cao nhất là 18%”. 

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tính đến nay trong tổng số 59 dự án BOT đã đưa vào sử dụng, 37 dự án đã tới hạn tăng phí 18% theo lộ trình, trong đó có 2 dự án tới hạn trong năm 2018, 35 dự án tới hạn năm 2019. Tuy nhiên, trong các năm từ 2016 - 2018 thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc giữ ổn định giá cả, thị trường, Bộ GTVT chưa cho phép thực hiện tăng phí đối với tất cả các dự án BOT đến hạn. 

Bộ GTVT còn nói, trong 37 dự án đến hạn tăng phí có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính theo hợp đồng BOT. “Nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời với 25 dự án này thì phương án tài chính của dự án bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay hàng nghìn tỉ đồng từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu”, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh. 

Trong các dự án BOT được Bộ GTVT đề xuất tăng phí để cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, có các dự án từ Hà Nội đi các địa phương như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Bắc Giang, Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng)… Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, 3 dự án nói trên có lưu lượng phương tiện, doanh thu tốt nhất miền Bắc, thậm chí còn vượt cả phương án tài chính. 

Trạm BOT thu “khủng” phải giảm phí 

Cụ thể, theo phương án tài chính trong hợp đồng giữa nhà đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và Bộ GTVT, thời điểm năm 2016, dự án được tính toán là sẽ có khoảng 18.000 lượt phương tiện qua lại, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, tháng 6/2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã tiến hành giám sát việc thu phí tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Kết quả sau nửa tháng giám sát, lưu lượng xe tại trạm này là trên 23.000 lượt xe/ngày, doanh thu 1,9 tỷ đồng/ngày (tăng 58% so với phương án tài chính).

Còn theo văn bản của nhà đầu tư quản lý dự án là Cty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thông báo doanh thu với báo Tiền Phong trong tháng 6 vừa qua, trung bình trong 5 tháng đầu năm 2019, mỗi ngày trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu 2,1 tỷ đồng (tăng 0,38% so với năm 2016). 

Tại mục “g” trang 63 của Hợp đồng BOT giữa nhà đầu tư dự án với Bộ GTVT cũng nêu rõ: trong trường hợp doanh thu trung bình từ lưu lượng phương tiện không tăng hoặc giảm 5% trong 2 năm liên tục so với phương án tài chính thì nhà đầu tư được phép tăng hoặc giảm phí.

Như vậy, việc Bộ GTVT nói rằng, trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang có doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính theo hợp đồng BOT để tăng phí cho dự án này là chưa chính xác. Thực tế, dự án đang có mức tăng 58% so với phương án tài chính, và tăng liên tục từ năm 2016 đến nay, theo hợp đồng dự án phải giảm phí nhiều lần chứ không phải là tăng.

Tương tự, tại dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, theo phương án tài chính mà trợ lý Hội đồng quản trị Cty CP đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang thông tin với PV Tiền Phong, trong giai đoạn đầu dự án đi vào khai thác, lưu lượng phương tiện tính theo xe tiêu chuẩn khoảng 20.000 lượt/ngày. Với mức phí 35.000 đồng/lượt trạm BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đang thu, nhân với 20.000 lượt phương tiện thì mỗi ngày trong giai đoạn đầu trạm thu khoảng 700 triệu đồng/ngày, mỗi tháng khoảng 21 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo con số giám sát thu phí tại trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang được Tổng cục ĐBVN ghi nhận trong thời gian nửa tháng năm 2016 thì con số doanh thu thực tế trung bình là 1 tỷ đồng/ngày (tăng 42%). Với các thông tin này, nếu Bộ GTVT cho rằng dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang đang có con số doanh thu thấp hơn phương án tài chính để đề xuất tăng phí là chưa có cơ sở.

Đại diện quản lý Nhà nước “mù mờ” phương án tài chính? 

Là đơn vị được giao đại diện cơ quan nhà nước là Bộ GTVT trực tiếp tổ chức thực hiện, giám sát nhà đầu tư triển khai dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, nhưng trả lời PV Tiền Phong đầu tuần này về phương án tài chính của dự án theo hợp đồng, ông Dương An Hải, Trưởng Phòng điều hành dự án 19, Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2), Bộ GTVT cho rằng, dự án đã cơ bản thi công xong và đang đi vào hoạt động nên nội dung thu phí hiện nay do Tổng cục ĐBVN đảm nhiệm. Tuy nhiên khi phóng viên nhắc lại là muốn đơn vị thông tin cho phương án tài chính theo hợp đồng, trong đó có lưu lượng xe, doanh thu để đối chiếu với số liệu thực tế, ông Hải cho rằng, ông không có và nói phóng viên cần sang hỏi nhà đầu tư. 

Đề xuất tăng phí để 'cứu' 37 dự án BOT: Mù mờ phương án tài chính ảnh 1  Ngoài có mức thu chênh so với báo cáo, dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang còn có mức thu tốt so với phương án tài chính. Ảnh: Anh Trọng

Tuy nhiên, khi chúng tôi phản ánh lại việc trên với ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc PMU 2, ông Sơn cho rằng, với các thông tin, công việc liên quan đến quá trình triển khai dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang theo hợp đồng, PMU 2 cụ thể là Phòng điều hành dự án 19 có nhiệm vụ giải đáp, thực hiện theo phân cấp của Bộ GTVT. Ông Sơn đã trực tiếp gọi Trưởng phòng dự án 1 lên và yêu cầu giải đáp các thông tin theo đề nghị của phóng viên trong thời gian sớm nhất. 

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 26/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT mới chỉ là dự thảo được các đơn vị nghiệp vụ soạn thảo để Bộ đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Khi chúng tôi đề cập một số dự án BOT tại miền Bắc đang có doanh thu tốt, thậm chí vượt cả phương án tài chính, trong đó có cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang… nhưng Bộ GTVT lại cho rằng doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính, ông Nhật liền giải thích: Đây là con số do các phòng chức năng đưa lên, để thực hiện được việc tăng phí, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, Bộ GTVT còn phải rà soát và giao cho Tổng cục ĐBVN đánh giá lại từng dự án. Bộ GTVT chưa đề xuất chính thức với Chính phủ nội dung tăng phí trên.

Để tăng phí cho 37 dự án BOT Bộ GTVT đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Nhưng để “giảm sốc”, Bộ sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng, trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án có sụt giảm doanh thu lớn nhằm “chặn” nguy cơ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư. 

Phương án 2: Lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Nhưng phương án này, Bộ GTVT cũng cảnh báo sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước sẽ phải bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để khắc phục việc này.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.