Đề xuất tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại hội thảo Cơ chế chuyển dịch đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TPHCM diễn ra hôm qua (7/4) nhiều ý kiến đề xuất cho phép TPHCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Ông Trương Trọng Hiểu - Trường ĐH Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, với những lý do về tính đặc thù cũng như mức độ và tần suất triển khai các dự án, cần cho phép TPHCM tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Cụ thể, khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, HĐND TPHCM được quyết định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM sẽ quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án bồi thường độc lập mà HĐND TPHCM đã quyết định. Quyết định đầu tư các dự án bồi thường độc lập này là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn kế hoạch đầu tư công. Việc tách dự án bồi thường độc lập là tiền đề để các cơ quan quản lý có thể đảm bảo đủ điều kiện ban hành quyết định thu hồi đất ngay cả khi các giai đoạn khác của quá trình phê duyệt, quyết định và triển khai dự án đầu tư công chưa hoàn tất.

Đề xuất tách giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư công ảnh 1

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM - đoạn qua TP Thủ Đức ngưng thi công hơn 2 năm qua vì thiếu mặt bằng Ảnh: Phạm Nguyễn

Ngoài ra, ông Hiểu cũng kiến nghị, dự thảo Luật đất đai cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở ra một số quy định ngoại lệ cho các địa phương đang hoạt động theo mô hình đặc thù. Cụ thể, đối với nội dung quy định về thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trong vấn đề đất đai, dự thảo cần đề cập tình huống cơ quan này có thể ủy quyền, trao quyền hoặc phân quyền lại cho chính quyền thành phố thuộc thành phố để TPHCM được ủy quyền lại cho TP Thủ Đức.

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) cho rằng, Nhà nước chỉ đóng vai trò quyết định và thực hiện việc chuyển dịch bắt buộc thông qua cơ chế thu hồi đất đối với các dự án vì an ninh quốc gia, lợi ích công cộng định nghĩa theo nghĩa hẹp. Trong cơ chế chuyển dịch tự nguyện và cả cơ chế chuyển dịch bắt buộc, cần ghi nhận thủ tục yêu cầu tòa án xem xét quyết định thu hồi cũng như giá cả bồi thường. Ngoài ra, trong quy hoạch tổng thể sử dụng đất cần bổ sung thêm phần quy hoạch đất có khả năng chuyển dịch, từ đó xác định rõ giới hạn của chuyển dịch đất đai trong từng giai đoạn và đối với từng khu vực.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu đưa vào đề xuất các cơ chế, chính sách trong nghị quyết thay Nghị quyết 54 để tạo ra những cơ chế đột phá khai thác nguồn lực từ đất. “Nếu có cách tiếp cận đúng trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng đất đai có hiệu quả thì sẽ là động lực rất lớn cho sự phát triển bền vững, tạo ra sự ổn định về mặt xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế”, ông Mãi nói.

MỚI - NÓNG