Đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập

Đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập
TP - Hôm qua, tiếp tục thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và dự án Luật PCTN (sửa đổi), nhiều đại biểu đề xuất lập cơ quan PCTN độc lập trực thuộc Quốc hội.

> Bưng bít thông tin là cản trở chống tham nhũng
> 'Phải thay cách đánh, người đánh'

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, nên chọn những người ưu tú nhất từ các cơ quan đang làm công tác PCTN hiện nay để lập ra cơ quan PCTN độc lập thuộc Quốc hội (QH).

Tuy nhiên, vướng nhất hiện nay là Trung ương chưa bàn đến nội dung này. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đồng tình thành lập cơ quan PCTN thuộc QH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, khi đi nghiên cứu thì nhiều nước như Nam Phi, Anh, Australia, Newzealand… đều tổ chức cơ quan điều tra đặc biệt về chống tham nhũng (SFO).

Cơ quan này có thẩm quyền và những phương pháp điều tra khác với cơ quan điều tra tội phạm thông thường. Như ở Nam Phi, cơ quan này đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng thống và có những cơ chế rất đặc biệt.

“Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu một cơ quan điều tra độc lập với những thẩm quyền khác biệt với điều tra tội phạm thông thường. Vấn đề này liên quan Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi” - ông Quyền nói.

“Phải nâng cao tính độc lập của cơ quan PCTN để có thể truy tố được những kẻ tham nhũng “cổ cồn trắng”- ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đề xuất.

Kê khai nhưng không kiểm soát được tài sản

ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, ba yếu tố quan trọng nhất để công tác PCTN hiệu quả đều thiếu và yếu. Đầu tiên là kiểm soát tài sản thu nhập: mới kê khai, nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập. Nghiên cứu các nước cho thấy, quan trọng nhất của chống tham nhũng là kiểm soát thu nhập.

“Nếu tôi là vụ trưởng, con tôi làm giám đốc ngân hàng thì con tôi vẫn có thể gửi được hàng nghìn tỷ ở ngân hàng Thụy Sĩ mà không có vấn đề gì. Nếu không có những biện pháp ngay tức thời kiểm soát thu nhập của toàn bộ xã hội, trong đó có cán bộ công chức, người có chức vụ quyền hạn thì chúng ta không bao giờ PCTN hiệu quả” - ông Quyền nói.

Ông Quyền cho rằng, chúng ta đang thiếu luật công vụ. Trong đó, xác định trách nhiệm của từng vị trí công tác; quy định mối quan hệ trách nhiệm của từng cấp một, cấp trưởng, cấp phó, nhân viên là gì? Còn hiện nay, khi có vấn đề gì xảy ra thì “tướng đổ cho đồng, đồng đổ cho tướng và cuối cùng là đổ cho tập thể” - ông Quyền nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, phải chấn chỉnh kỷ cương, tạo điều kiện rào cản chặt chẽ để công chức, viên chức phải là những người ưu tú.

“Việc bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước cần phải xác định trách nhiệm đối với người tiến cử, đề cử. Khi một người được bổ nhiệm mà vi phạm pháp luật thì phải truy cứu trách nhiệm cả những người tiến cử, đề cử và bổ nhiệm. Có như vậy thì mới chặn đứng được tệ mua quan, bán chức hiện nay” - ông Vân nói.

Vì sao thanh tra nhiều, chuyển cơ quan điều tra ít

Lý giải vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, có nhiều mục đích thanh tra. Khi phát hiện vi phạm thì xử lý thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại, xử lý hành chính, sau đó mới xử lý hình sự khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng.

Ngoài ra, tham nhũng là tội ẩn, khó xác định hành vi. Một số vụ việc sau khi thanh tra xác định không rõ hành vi tham nhũng.

“Thời gian thanh tra ngắn, cán bộ thanh tra không có nghiệp vụ về việc điều tra, cho nên không đủ cơ sở chuyển cơ quan điều tra. Một lý do nữa là có một phần tiêu cực của cán bộ thanh tra, dẫn đến làm sai lệch hồ sơ, giảm nhẹ vi phạm” - ông Tranh thừa nhận.

Tới đây, sẽ có phối hợp liên tịch giữa công an, thanh tra, Viện kiểm sát, từ đó xác định rõ các vụ việc kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn có điểm không rõ ràng.

Ngoài ra, có sự tránh né, nể nang, sợ va chạm và sợ ảnh hưởng thành tích của đơn vị.

Dẫn đến, một số cơ quan, đơn vị xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng còn ít. Nguyên nhân nữa là chính người đứng đầu vi phạm, cho nên khi xử lý là xử lý hành vi tham nhũng của cá nhân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.