Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường thuộc các quận, thị xã của thành phố Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Cùng với việc đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND phường, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về kinh tế, quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch đô thị, xây dựng, đê điều; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Đáng lưu ý, trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và xây dựng, HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thực hiện theo hình thức hợp đồng BT thuộc Thành phố quản lý.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố Hà Nội do HĐND thành phố Hà Nội quy định.
Trong lĩnh vực đất đai, nông, lâm nghiệp và môi trường, HĐND thành phố Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ có quy mô trên 20ha sang mục đích khác theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ, quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, một số nội dung đang được xem xét vì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đề xuất liên quan đến tài chính cũng cần cân nhắc tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội, đề nghị giữ nguyên như hiện nay là 35%.
Về chính sách đặc thù liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ hơn. Theo đó, đối với đất trồng lúa, đề nghị quy định tương ứng với Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh; đối với đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cần quy định thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội quyết định chuyển mục đích sử dụng từ 02 đến dưới 05 ha hoặc nghiên cứu để tương ứng với Điều 20 của Luật Lâm nghiệp…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất và mong muốn sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 nhằm thực hiện đúng lộ trình tại Kết luận số 46-KT/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Đồng thời, sẽ nghiên cứu bổ sung nội dung về Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức.
Thống nhất với đề xuất trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Bộ Tư pháp sớm thẩm định trước ngày 29/9 để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây.