Đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện
TPO - Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo văn bản này, Bộ GD&ĐT cho rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình.

Thời gian qua, đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy, nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục của các nhà trường theo quy định hiện hành.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm. Với những giải pháp chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt từ Bộ đến cơ sở giáo dục nên thời gian qua, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định giảm đáng kể.

Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Bộ GD&ĐT cho biết, quy định tại luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư năm 2014, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Bộ GD&ĐT, đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát, ban hành văn bản thay thế Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế, sau khi được bổ sung hoạt động về dạy thêm, học thêm vào danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong luật Đầu tư.
Khi dạy thêm, học thêm được đưa vào luật, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra nhiều giải pháp để quản lý giảm thiểu việc học thêm dạy thêm không đúng quy định.

Trong đó, có chỉ đạo rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo huướng giảm tải các môn văn hóa, tăng thêm giờ học thể dục và hoạt động giáo dục thể chất;

Chỉ đạo các nhà trường thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá, vừa đảm bảo định hướng phát triển năng lực học sinh; đồng thời đó cũng là một biện pháp quan trọng nhằm hạn chế dạy thêm, học thêm.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ban hành Chương trình GDPT 2018 theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của học sinh; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

Bộ GD&ĐT xem đây là giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.

MỚI - NÓNG