Đề xuất 'đấu giá' để xác định giá đất?

Đề xuất 'đấu giá' để xác định giá đất?
Dự án Luật Đất đai đã được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng nay, 19-11.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về chính sách, pháp luật đất đai

> Không thể tùy tiện thu hồi đất của dân

> Phù phép đất đai, lãnh đạo xã lĩnh án tù

Sửa đổi Luật Đất đai cần tạo được sự đồng thuận

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ)
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ).

Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) băn khoăn: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã rất quan trọng, đây là cấp quản lý trực tiếp, tại sao dự luật lại bỏ đi? Đành rằng có lồng ghép vào quy hoạch cấp huyện, nhưng như vậy cũng không rõ”.

Từ góc nhìn khác, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) lại đồng ý với quy định 3 cấp quy hoạch, song nhấn mạnh yêu cầu trưng cầu ý kiến người dân khi xây dựng quy hoạch, thông qua những phương thức phù hợp: lấy phiếu, sử dụng mạng xã hội... Bổ sung sự phối hợp, tham gia của các cơ quan để quy hoạch có tính liên vùng, tận dụng được kết cấu hạ tầng của các địa phương, tránh xung đột quan điểm phát triển.

Các đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai), Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ)… cũng phát biểu đồng ý với quy hoạch 3 cấp, với lý do là đa số cấp xã không đủ năng lực làm quy hoạch, công việc này thời gian qua mang tính hình thức, hiệu quả không cao.

Về hạn mức giao đất nông nghiệp và thời hạn giao đất, đa số ý kiến đồng tình như dự thảo. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nói thêm: “Với đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị hạn mức giao đất nông nghiệp tối đa là 5ha; hạn mức nhận chuyển nhượng tối đa là 50 ha”. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lưu ý, việc “cứng hóa” quy định sử dụng đất nông nghiệp sẽ làm cho những tỉnh nông nghiệp trồng lúa thiệt thòi hơn trong quá trình phát triển, do đó Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ các tỉnh này…

Đề xuất 'đấu giá' để xác định giá đất? ảnh 2

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai)

Nguyên tắc hài hòa các lợi ích 3 bên: nhà nước, nhà đầu tư và người dân được nhiều đại biểu nhấn mạnh. Từ đó, phương án 1 về xác định giá đất được nhiều ý kiến ủng hộ, theo đó Chính phủ sẽ ban hành khung giá, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất cụ thể trên địa bàn, có hiệu lực 5 năm; khi giá trên thị trường biến động từ 20% trở lên, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét điều chỉnh bảng giá… Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở để xác định có biến động giá từ 20% trở lên.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) lại có quan điểm khác. Ông Tín đưa ra đề nghị khá táo bạo: “Nên cân nhắc quyền tiên mãi của Nhà nước, vì như thế người có đất có thể bị ép giá. Tại sao người sử dụng đất không được tổ chức đấu giá, nhà nước muốn mua thì tham gia đấu giá? Nhà nước không nên giữ quyền tổ chức đấu giá mà chỉ quản lý bằng quy hoạch là đủ. Đất để lâu không sử dụng quá thời hạn quy định theo Luật mà thu hồi không đền bù chi phí cũng không hoàn toàn hợp lý, vì người sử dụng đất có thể gặp khó khăn khách quan. Đề nghị đánh thuế cao với đất chưa sử dụng chứ không nên thu hồi không bồi hoàn, trừ một số trường hợp rất đặc biệt”.

Nhóm vấn đề về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Đại biểu Mai Hữu Tín nêu vấn đề, các dự án phát triển kinh tế xã hội mà doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí giải phóng mặt bằng thì có được trừ lại tiền này vào tiền thuê đất hay không?

Trong khi có khá nhiều ý kiến thống nhất với quan điểm không nên quy định nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân để nhận chuyển nhượng đất, thì đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) có quan điểm mềm dẻo hơn: “Nên chăng, với dự án sử dụng đất có quy mô nhỏ và vừa, Luật nên cho phép nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng”.

Lưu ý rằng một tỷ lệ lớn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai phát sinh từ việc đo đạc, thống kê tài sản, hoa màu khi tính toán đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời thực tế tại cơ sở cũng cho thấy tiêu cực phát sinh khá phổ biến trong lĩnh vực này, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) đề nghị dự luật bổ sung một điều về thẩm tra, giám sát kết quả đo đạc, thống kê trước khi chi trả đền bù.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) cũng xoáy vào những nút thắt trong giải quyết khiếu tố về đất đai. Ông cho rằng việc bồi thường khi giải phóng mặt bằng không chỉ phải đảm bảo bảo tồn được tài sản cho người dân mà còn phải tính toán công bằng về sinh kết tương đương cho họ như trước khi phải di dời.

“Giá đất có khi chỉ là một phần trong tổng số cần bồi thường cho dân và điều này cần quy định rõ trong Luật, tránh dùng các khái niệm như “hỗ trợ” (mang tính ban ơn) hay “xem xét” (không chắc chắn). Ngoài ra, quy tắc, phương pháp định giá đất cần được rà soát quy định lại, vì thực tế bảng giá đất của các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Tại TPHCM và Hà Nội giá đã kịch khung Chính phủ, nhưng mức trần cũng chỉ 81 triệu đồng/m², trong khi thực tế giao dịch có nơi lên tới nhiều trăm triệu đồng”, ông Sang bình luận.

Đáng lưu ý, đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) thể hiện quan điểm nhất quán là cần tiêu chuẩn hóa việc quản lý, sử dụng đất đai. “Làm được như vậy sẽ tránh tình trạng nhập nhằng, lạm dụng cũng như sử dụng đất hoang phí”, ông Võ Kim Cự nói và đề nghị “dự luật xác định rõ hơn nữa khái niệm về các loại đất, tiến tới thiết lập quy chuẩn sử dụng đất thống nhất trên toàn quốc”.

Theo Anh Phương
Sài Gòn giải phóng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG