Kinh doanh qua mạng đã phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng Bộ Tài chính thừa nhận, cách quản lý thuế hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu. Do kinh doanh qua mạng có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng, thu thập thông tin, thông tin dễ bị xóa bỏ, giao dịch chủ yếu tiền mặt…
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất, một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ %. Riêng sản phẩm dưới 1 triệu đồng/lần sẽ không thu thuế. Trường hợp sản phẩm dưới 1 triệu đồng, nhưng giao dịch nhiều hơn 1 lần trong ngày sẽ thực hiện thu thuế như với sản phẩm trên 1 triệu đồng/lần.
Cùng đó, Bộ Tài chính cũng đánh giá, kinh doanh qua mạng Internet cũng vượt biên giới, mua hàng trực tiếp từ các công ty nước ngoài không có văn phòng tại Việt Nam.
Như Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua đại tại Việt Nam (kiểm soát và thu được thuế). Tuy nhiên, 2 ông lớn này cũng thực hiện các giao dịch trực tiếp không thông qua đại lý tại Việt Nam, và thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, nên khó kiểm soát chi phí và doanh thu để tính thuế.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (Công ty cổ phần thanh toán quốc gia). Từ đó cơ quan thuế kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.
“Đề nghị Bộ Thông tin truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook, Apple...) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam”, Bộ Tài chính đề xuất.
Đồng thời, các cơ quan quản lý phối hợp và trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT, Mobifone, Vinaphone, Viettel…) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch thương mại điện tử.