Đề xuất công nhận nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng là di sản văn hóa phi vật thể

TPO - UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị xem xét đưa nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng TPHCM vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trước đó, lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Liên đoàn Lân-Sư-Rồng TPHCM và các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học với nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng tại TPHCM.

Theo hồ sơ khoa học do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM lập, nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng do người Hoa đem đến vùng đất phương Nam và được gìn giữ, phát triển, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa đa dạng của thành phố.

Đề xuất công nhận nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng là di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1
Múa Lân-Sư-Rồng trên đường phố tại quận 5 (TPHCM)

Nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng là sự kết hợp trình diễn giữa các bộ môn múa võ, xiếc, đánh trống... Những động tác uyển chuyển, mạnh mẽ và đầy tính nghệ thuật của hình tượng linh vật, kết hợp với âm thanh sôi động của trống, thanh la và trang phục tạo nên một bữa tiệc của thị giác, âm thanh cuốn thu hút người xem. Múa Lân-Sư-Rồng không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần, mang đến may mắn, thịnh vượng mà còn là cầu nối gắn kết cộng đồng.

Nghệ thuật Lân-Sư-Rồng không chỉ góp mặt trong các lễ hội, sự kiện văn hóa mà còn được nhiều cơ quan, doanh nghiệp lựa chọn để phục vụ các hoạt động của mình. Vì thế nghệ thuật Lân-Sư-Rồng không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các đoàn Lân-Sư-Rồng mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề thủ công như may mặc, sản xuất đạo cụ, nhạc cụ, góp phần tạo việc làm cho cộng đồng. Bên cạnh đó, nghệ thuật chế tác các Lân, Sư, Rồng cũng là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và tinh tế, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống.

Đề xuất công nhận nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng là di sản văn hóa phi vật thể ảnh 2
Múa Lân- Sư- Rồng luôn có sự kết hợp cả trình diễn xiếc, võ thuật

Tại TPHCM, nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng phát triển mạnh mẽ từ rất lâu với rất nhiều đoàn Lân-Sư-Rồng chuyên nghiệp, nổi tiếng. Nhiều tiết mục biểu diễn Lân-Sư-Rồng của các đoàn tại TPHCM từng đoạt các giải quốc tế hay đạt các kỷ lục Việt Nam như Lân lên Mai Hoa Thung, Nấc thang vượt bậc, Lân mẫu xuất lân nhi… Nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng cũng đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của quận 5 (TPHCM) để giới thiệu với du khách về văn hoá vùng đất này.

Đề xuất công nhận nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng là di sản văn hóa phi vật thể ảnh 3

Múa Lân- Sư- Rồng luôn gắn với các sự kiện lớn

Theo đánh giá của các chuyên gia văn hoá, múa Lân-Sư-Rồng là một kho tàng văn hóa vô giá, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Qua thời gian, giá trị văn hóa và du lịch của nghệ thuật Lân-Sư-Rồng ngày càng được khẳng định, thu hút du khách khắp nơi, góp phần tạo nên một không khí lễ hội sôi động. Việc duy trì và phát triển nghệ thuật này không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn là một cách để thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.

Nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng là hình thức nghệ thuật trình diễn mang đậm tính đặc trưng của người Hoa tại TPHCM. Bên cạnh các yếu tố nghệ thuật, múa Lân-Sư-Rồng còn mang ý nghĩa tâm linh và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa. Ba linh vật Lân, Sư, Rồng đều mang tính thần thoại, đại diện cho những mong ước thịnh vượng và may mắn. Ngoài ra múa Lân-Sư-Rồng còn được cho là sẽ xua đuổi các điềm xấu, mang lại may mắn cho gia chủ. Múa Lân-Sư-Rồng thường được biểu diễn trong các lễ hội như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu, những chương trình khai trương, động thổ hay mừng nhà mới...

MỚI - NÓNG