Đề xuất cống hóa sông Tô Lịch: Bất lực về quản lý?

Chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp xử lý ô nhiễm hiệu quả thay vì cống hóa mặt sông
Chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp xử lý ô nhiễm hiệu quả thay vì cống hóa mặt sông
TP - Với lý do để ngăn nước thải, tạo thêm không gian cho đô thị, trong kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vừa qua, Bí thư Quận ủy  Hoàn Kiếm đã đề xuất cống hóa một số con sông, trong đó có sông Tô Lịch. Cho ý kiến về việc này, nhiều chuyên gia, tổ chức môi trường cho rằng, chính quyền bất lực về quản lý mới nghĩ đến cách trên.

Biến sông thành… cống

Tại phiên họp HĐND thành phố Hà Nội vừa qua, ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm đã đề nghị thành phố xem xét cống hóa đối với một số con sông có tính chất kênh, mương thoát nước, trong đó có sông Tô Lịch và sông  Kim Ngưu.

Ông Tuấn cho rằng, việc cống hóa các con sông, kênh mương sẽ góp phần giảm thiểu việc xả thải ra sông như hiện nay, đồng thời tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông cho thành phố.

Cũng theo ông Tuấn, vừa qua thành phố đã có chủ trương áp dụng các giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông, hồ. Đây là những dấu hiệu tích cực thể hiện thành phố rất quan tâm đến chất lượng nước các con sông cũng như môi trường chung tại thành phố. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, ô nhiễm sông, hồ tại thành phố là một tồn tại của quá trình phát triển đòi hỏi nhiều nguồn lực và những biện pháp xử lý mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Tuy nhiên cũng tại phiên họp này, ông Nguyễn Minh Đức, đại biểu HĐND quận Thanh Xuân phản biện khi cho rằng, không nên đặt vấn đề bê tông hóa để biến sông Tô Lịch thành cống thoát nước. Vì ngoài yếu tố lịch sử, tâm linh đây còn là cảnh quan, địa lý làm nên đặc trưng Hà Nội.

Theo ông Đức, chỉ mỗi xử lý ô nhiễm cho sông Tô Lịch thì không nhất thiết phải tính đến phương án cống hóa, thực tế thành phố cũng đang giải quyết việc này có hiệu quả khi thực hiện phương án bổ cập nước từ sông Hồng để tạo dòng chảy; khi có nước chảy thì sẽ xử lý được tức thì ô nhiễm tại sông Tô Lịch.

Ðề xuất đi ngược xu thế

Cho ý kiến về đề xuất của ông Dương Đức Tuấn, nhiều chuyên gia, đại diện các tổ chức môi trường cho rằng, điều này không khoa học và còn đi ngược xu thế. TS Nguyễn Văn Khải - chuyên gia môi trường và xử lý ô nhiễm nước cho rằng, thành phố Hà Nội cũng như nhiều đô thị trên thế giới đang hạn chế mức tối đa bê tông hóa không gian đô thị. Việc này là vừa đảm bảo cảnh quan, vừa chống biến đổi khí hậu, thời tiết.

GS.TS Mai Đình Yên, Chủ tịch Hội Sinh thái môi trường Việt Nam cho rằng, cùng với sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét là 4 con sông khu vực nội thành đang làm nên “đặc sản” cho Hà Nội, 4 con sông này đang làm nhiệm vụ thu, thoát nước bề mặt hiệu quả . Theo ông Yên, nếu cống hóa, sông  Tô Lịch chỉ còn nhiệm vụ thoát nước ngầm và sẽ rất tốn kém cho việc này, còn nếu xử lý được ô nhiễm thì thành phố vừa đỡ tốn kém vừa có lợi ích kép khi sông vừa thoát nước vừa tạo cảnh quan.

Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng, chính quyền thành phố nên thể hiện sự quyết tâm làm sống lại sông Tô Lịch bằng các giải pháp xử lý ô nhiễm dòng sông như đang làm. Vấn đề sông Tô Lịch ô nhiễm hiện nay là do luôn ở mực “nước chết” (không chảy) và nước thải sinh hoạt chưa xử lý xả thẳng ra sông. Với những hôm trời mưa to hoặc sông được xả nước từ hồ Tây vào thì nước trong xanh, ô nhiễm cơ bản được xử lý. Vậy vấn đề còn lại ở đây là lựa chọn cách xử lý ô nhiễm nào cho phù hợp chứ không phải chuyện lấp hay cống hóa lòng sông. Bài học cống hóa mương Phan Kế Bính cần được thành phố rút ra khi thực hiện xong, không gian bề mặt bên trên không hề được dành cho cảnh quan hay công cộng mà phục vụ cho nhóm lợi ích gồm: “bãi xe lậu”, “nhà hàng chui”…

GS.TS Mai Đình Yên, Chủ tịch Hội Sinh thái môi trường Việt Nam cho rằng, cùng với sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét là 4 con sông khu vực nội thành đang làm nên “đặc sản” cho Hà Nội, 4 con sông này đang làm nhiệm vụ thu, thoát nước bề mặt hiệu quả . Theo ông Yên, nếu cống hóa, sông  Tô Lịch chỉ còn nhiệm vụ thoát nước ngầm và sẽ rất tốn kém cho việc này, còn nếu xử lý được ô nhiễm thì thành phố vừa đỡ tốn kém vừa có lợi ích kép khi sông vừa thoát nước vừa tạo cảnh quan.

MỚI - NÓNG