Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Trong đó, Đoàn giám sát chỉ ra tình trạng, nhiều dự án lớn của Hà Nội, nhất là các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa rõ thời hạn hoàn thành.
Trước đó, thành phố Hà Nội có đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Dự kiến đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: PV |
Cùng với việc đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án thêm 5 năm, UBND thành phố cũng đề xuất điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng. Như vậy, Tổng mức đầu tư tăng thêm 1.916 tỷ đồng.
Mới đây, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhắc về dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Theo ông Dũng, phần nổi của dự án này sẽ cố gắng đưa vào vận hành từ cuối năm 2022. Còn về phần ngầm, từ Kim Mã về ga Hà Nội đã chậm tiến độ 4 - 5 năm.
Ông Dũng cho biết, phần ngầm này, nhà thầu đã lắp đặt máy móc thực hiện đâu ra đấy, bản thân ông cũng đã xuống kiểm tra tận nơi, công nghệ rất hiện đại, nhưng vướng mắc lớn nhất là không bàn giao được mặt bằng để cho nhà thầu làm.
Bí thư Hà Nội cho biết, có 50 hộ trong diện ảnh hưởng của phần thi công ngầm, trên địa bàn hai quận Ba Đình và Đống Đa.
"Tôi hỏi thì anh em nói là không có chính sách giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho người dân di chuyển, bởi làm hầm, mà bà con thì ở trên mặt đất", ông Dũng nói, đồng thời cho biết, ông yêu cầu áp dụng đúng chính sách như thực hiện phần đi nổi.
"Chúng tôi đưa ra họp, đề xuất với Thường trực, Thường vụ thành uỷ, đưa ra Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, thống nhất áp dụng như thế, đưa ra HĐND biểu quyết thông qua danh sách, sẽ hỗ trợ bà con trong thời gian thi công phần ngầm", ông Dũng nói.
Theo đó, trong 50 hộ dân bị ảnh hưởng, sẽ có 43 hộ di chuyển đi nơi khác, sau khi thi công xong sẽ về lại. 7 hộ nhà bị hỏng sẽ được hỗ trợ xây lại nhà.
Ông Dũng nói, nguyên nhân chậm một phần do cách thực hiện trước đây không cố gắng, phần giải phóng mặt bằng, tái định cư không giao cho quận, huyện, nên không làm được.
Theo ông Dũng, tại cuộc họp, ông đã yêu cầu các quận, huyện phải vào cuộc, nếu để chậm thì lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho biết, thành phố đã có trao đổi, làm việc với nhà thầu, đơn vị chức năng của Hàn Quốc để tiếp tục thực hiện dự án này.