Đề xuất bỏ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, lao động không phải đóng tiền dịch vụ

TPO - Bên cạnh một số đại biểu Quốc hội không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ, thì một số ý kiến lại đề nghị làm rõ sự cần thiết, quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động.

Chiều 23/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình của Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Thực tế thời gian qua, các Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định thí điểm triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế.

Về đề xuất này còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc giao Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai không tán thành vì cho rằng sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực Nhà nước; lại chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa dịch vụ công; cũng chưa rõ về cơ chế, nguồn kinh phí để bồi thường cho người lao động khi đơn vị này gây ra…

Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề mới, đang có ý kiến khác nhau, do vậy đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo 2 phương án.

Trong đó phương án 1, quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.

Phương án 2, Không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, kết quả, đã có 26/40 đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn Phương án 1. Do vẫn còn ý kiến khác nhau và chưa có phương án nhận được đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, quyết định.

Cho ý kiến, một số đại biểu ủng hộ phương án xã hội hóa trong việc này. “Cái gì xã hội làm được thì nên để xã hội hóa, nhà nước không nên ôm đồm, dễ phát sinh nhiều phiền phức, tiêu cực”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm.

Đề xuất bỏ quy định đóng tiền dịch vụ

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định việc người lao động phải đóng tiền dịch vụ; có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ mức trần tiền dịch vụ. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải thực hiện nhiều hoạt động, theo quy trình, từ tìm kiếm thị trường, đối tác…nên việc quy định tiền dịch vụ là cần thiết.

“Pháp luật hiện hành và dự thảo Luật đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện được tổ chức các hoạt động trên và phải bảo đảm việc thu tiền dịch vụ của người lao động một cách hợp lý, minh bạch, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng luật hóa quy định hiện hành của Nghị định, bổ sung quy định nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề trong từng thời kỳ.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, một số đại biểu Quốc hội không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ; một số ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết của Quỹ; một số ý kiến tán thành duy trì Quỹ nhưng cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi đại biểu cho ý kiến về vấn đề này.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất cần thiết. Trong đó trách nhiệm trước hết chính từ doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động thông qua việc đóng góp vào Quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, các điều 67, 68 và 69 trong dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ LĐTB&XH, chỉ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG