Đề xuất Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng Thành phố di sản với Huế

TT-Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về phát triển KT-XH trong 10 năm qua
TT-Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về phát triển KT-XH trong 10 năm qua
TPO - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chỉ ra như vậy tại hội nghị “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, do Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy TT-Huế phối hợp tổ chức tại thành phó Huế ngày 25/10.

Nhiều thành tựu nhưng chưa đạt đích

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, TT-Huế là địa phương có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đảng, Nhà nước rất quan tâm ban hành chủ trương, cơ chế chính sách để phát triển TT-Huế xứng tầm với vai trò và vị thế của tỉnh. Năm 2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh TT-Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

Đề xuất Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng Thành phố di sản với Huế ảnh 1

Theo ông Nguyễn Văn Bình, để xây dựng TT-Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương, cần đề xuất Bộ Chính trị có một Nghị quyết

Theo ông Nguyễn Văn Bình, kết luận này là định hướng quan trọng của Trung ương đối với tỉnh TT-Huế trong những năm qua. Còn theo báo cáo của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, tỉnh TT- Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Kinh tế xã hội TT-Huế phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP năm 2018 tăng gấp 1,91 lần so với năm 2009. Môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh được cải thiện cùng với cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển mạnh. Thu nhập bình quân/người năm 2018 gấp 2,1 lần năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 5,03%, giảm 3,33% so với năm 2015; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 62%; giải quyết được việc làm cho 16,2 nghìn lao động mỗi năm.

Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình xây dựng nông thôn mới, tái định cư dân vạn đò sông Hương và vùng đầm phá, phát triển bền vững các huyện miền núi. Công tác bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, nước biển dâng được chú trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên; công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường luôn được chú trọng và đảm bảo.

Đề xuất Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng Thành phố di sản với Huế ảnh 2

TT-Huế đã thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa

Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo, đến nay, cơ bản đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp; trở thành trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hoá và du lịch; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. TT-Huế đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hướng tới thành phố vườn, đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”.

Tuy nhiên, với những kết quả nổi bật nêu trên, mục tiêu “đưa cả tỉnh TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị đến nay vẫn chưa đạt được.

Đề xuất Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng thành phố di sản

Lãnh đạo tỉnh TT-Huế đã chỉ ra nguyên nhân chưa đạt mục tiêu “đưa cả tỉnh TT-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, do xuất phát điểm của TT-Huế còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ; chưa giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn đô thị di sản với khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá và phát triển sản xuất công nghiệp, thu ngân sách thấp; hạn chế nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng.

Việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công của Trung ương cho phát triển cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, trùng tu di tích, đầm phá tại TT-Huế… chỉ được lồng ghép qua các chương trình, dự án và chưa được ưu tiên bố trí đầu tư trực tiếp cho các dự án cụ thể theo Kết luận 48; thiếu sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương về cơ chế huy động nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân…

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình thì chỉ ra rằng, nguyên nhân ở đây là giải quyết về mối quan hệ giữa phát triển với bảo tồn di sản văn hóa.

Đề xuất Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng Thành phố di sản với Huế ảnh 3

Huế cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển

“Phải chăng đó là mối quan hệ lớn nhất chúng ta phải giải quyết, mà trong thời gian 10 năm vừa qua, chúng ta gặp vướng mắc cũng ở chỗ này. Nếu chỉ đặt vấn đề phát triển TT-Huế thành đô thị trực thuộc Trung ương có khi lại là khác. Nhưng đã nói TT-Huế thì chúng ta phải phân tích được lợi thế so sánh, nét đặc thù riêng có của Huế mà không đâu có được. Phải chăng đó là nền tảng văn hóa, là di sản văn hóa, là con người mới. Đi đến Huế, thấy rất nhiều nét mà không đâu có. Chúng ta muốn xây dựng, phát triển TT-Huế mà không dựa trên nền tảng văn hóa đó thì sẽ gặp khó khăn”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình lưu ý.

Tại hội thảo lần này, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học còn trao đổi, thảo luận, làm rõ các kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và làm rõ những nguyên nhân, từ đó, đề xuất về tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển của TT-Huế trong thời gian tới. Trong đó, mục tiêu mới về phát triển TT-Huế được hướng đến là xây dựng địa phương trở thành thành phố di sản văn hóa của quốc gia.

“Chúng ta phải nhấn mạnh sự khác biệt đặc thù của Huế chính là thành phố di sản. Để Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương, chúng tôi đề xuất là phải có một Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đây cũng là đặc thù riêng có của Huế”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu vấn đề. Ông Nguyễn Văn Bình còn cho rằng, Nghị quyết mới cần có chủ trương xây dựng bộ tiêu chí thành phố di sản; có sự hỗ trợ của Trung ương cả về nguồn lực và cơ chế chính sách cho Huế…

MỚI - NÓNG