Để tránh sai sót điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần lưu ý gì?

Để tránh sai sót điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần lưu ý gì?
TPO - Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn với thí sinh và cán bộ điểm tiếp nhận hồ sơ để tránh xảy ra sai sót trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu cũng như trực tuyến.

Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh và điểm tiếp nhận hồ sơ chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 1 lần trong thời gian quy định. Hệ thống sẽ không cho phép điều chỉnh NV ĐKXT từ 17 giờ ngày 25/7.

Thí sinh cần lưu ý gì?

Thí sinh tải mẫu Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (NV ĐKXT) số 1, số 2 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo địa chỉ https://thituyensinh.vn.

Điền đầy đủ thông tin và thống nhất giữa Phiếu số 1, Phiếu số 2 (nội dung hướng dẫn điền phiếu kèm theo phiếu). Phải điền đầy đủ, rõ ràng tất cả các NV ĐKXT.

Thí sinh đến điểm tiếp nhận hồ sơ để nộp phiếu số 1 để cán bộ máy tính tại điểm tiếp nhận hồ sơ cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Khi đến điểm tiếp nhận hồ sơ để điều chỉnh NV ĐKXT, thí sinh phải đem theo chứng minh nhân dân và Phiếu đăng ký dự thi số 2 (để có cơ sở điền và kiểm tra Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT).

Thí sinh lưu ý, phải ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường ĐKXT (theo đề án tuyển sinh của trường trên Cổng thông tin tuyển sinh).

Thí sinh có thể điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng (nếu có); đồng thời, được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký lúc đăng ký dự thi và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.

Cũng theo Bộ D&ĐT, để hỗ trợ cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tại các điểm đăng ký dự thi (nơi tiếp nhận Phiếu điều chỉnh nguyện vọng) các trường sẽ bố trí cán bộ máy tính để hướng dẫn thí sinh. Ngoài ra, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ (https://thituyensinh.vn) có đăng tải tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng và từ ngày 9/7 đến hết ngày 11/7 thí sinh có thể thực hành điều chỉnh nguyện vọng  trực tiếp trên hệ thống.

Không nhớ mã để truy cập, thí sinh phải làm gì?

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) lí giải khi thí sinh không còn nhớ mã truy cập hệ thống để truy cập khi thay đổi đăng ký xét tuyển trực tuyến, vậy phải làm thế nào?

Ông Trinh cho biết, trường hợp không nhớ được mã để truy cập hệ thống, thí sinh cần đến điểm đăng ký dự thi và mang theo giấy chứng minh nhân dân và Phiếu đăng ký dự thi (Phiếu số 2) để đề nghị xin được cấp lại.

Thí sinh băn khoăn khi đăng ký dự thi, em không đánh dấu vào mục “sử dụng kết quả thi để xét tuyển” và em cũng chưa đăng ký xét tuyển. Trong thời gian từ 15/7 đến 23/7 em có thể đăng ký xét tuyển được không?

Ông Mai Văn Trinh cho rằng, theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành: “Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí ĐKXT”. Như vậy, nếu chưa đăng ký xét tuyển, chưa đánh dấu vào mục: ”sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ” thì sẽ không được xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển ở các đợt xét tuyển bổ sung hay đăng ký xét tuyển vào các trường xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT.

Nơi tiếp nhận hồ sơ: không để tồn đọng phiếu

Với  điểm tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tại điểm tiếp nhận hồ sơ cần hướng dẫn thí sinh khai vào Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT và bổ sung các minh chứng (nếu có).

Kiểm tra, rà soát các minh chứng để đảm bảo chính xác thông tin thay đổi; cập nhật thông tin thay đổi của thí sinh lên Hệ thống và chịu trách nhiệm về việc thay đổi. Lập danh sách và báo cáo Sở GD&ĐT về lý do thay đổi. Khi thi sinh nộp phiếu phải nhập ngay, không để tồn đọng phiếu.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi thí sinh nộp Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT, điểm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thí sinh ký xác nhận nội dung điều chỉnh để cập nhật thông tin chính xác của thí sinh vào cơ sở dữ liệu trên Hệ thống.

Nếu nội dung đề nghị điều chỉnh NV ĐKXT của thí sinh không chuẩn xác dẫn đến phần mềm tuyển sinh không chấp nhận thì loại bỏ nguyện vọng có thông tin sai đó.

Trong trường hợp nhập sai thông tin so với Phiếu điều chỉnh NV ĐKXT của thí sinh thì phải điều chỉnh lại khi thí sinh đề nghị.

Thông báo để thí sinh kiểm tra thông tin điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT của thí sinh trên hệ thống.

Sau khi cho thí sinh rà soát ký xác nhận, cần up load dữ liệu điều chỉnh đăng ký xét tuyển của thí sinh lên hệ thống; in danh sách thí sinh đã được cập nhật điều chỉnh NV ĐKXT lên hệ thống để rà soát với số Phiếu đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đã nộp tại ĐTN. Tuyệt đối không để xảy ra việc: thí sinh đã đề nghị và xác nhận nhưng dữ liệu không được cập nhật lên hệ thống.

Trường hợp phát hiện ra các sai sót do lỗi của ĐTN ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, phải báo cáo ngay Sở GD&ĐT, Sở tập hợp thông tin và báo cáo Bộ GD&ĐT trước 17 giờ ngày 25/7.

Mỗi thí sinh chỉ được phép thay đổi nguyện vọng một lần;

- Khi thay đổi nguyện vọng, thí sinh có thể điều chỉnh trường, ngành, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng, tổ hợp dùng để xét tuyển, chế độ ưu tiên;

- Nếu thí sinh không thay đổi chế độ ưu tiên và không tăng số nguyện vọng, có thể thực hiện thay đổi nguyện vọng trực tuyến, ngược lại phải đăng ký thay đổi nguyện vọng bằng Phiếu tại các điểm đăng ký dự thi. Thời gian đăng ký trực tuyến là từ 15/7 đến hết ngày 21/7; thời gian đăng ký tại các điểm đăng ký dự thi là từ 15/7 đến hết ngày 23/7.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.