Kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Đề thi môn Ngữ văn: Trách nhiệm thế hệ trẻ với đất nước

Thí sinh vui vẻ sau khi thi xong môn Ngữ văn vào sáng 25/6 tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Thí sinh vui vẻ sau khi thi xong môn Ngữ văn vào sáng 25/6 tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - TS. Lê Thị Thùy Vinh, giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nhận định: “Đọc qua các trang mạng thì thấy nhiều người nói đề Ngữ văn năm nay khó nhưng tôi thấy đề ngữ văn năm nay hay. Phần đọc hiểu đã đưa ra một vấn đề đáng suy nghĩ, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước”.

Gửi gắm thông điệp đến thế hệ 10x

Theo TS. Lê Thùy Vinh, đây là vấn đề cần phải được  làm “nóng” lên ở lớp trẻ.  Có thể thấy rằng, năm nay, thế hệ 10x (thế hệ sinh từ năm 2000) đầu tiên vào ĐH. Đó cũng là một sự chuyển giao giữa thế hệ 9x với thế hệ 10x. Do vậy, đọc đề có thể thấy được dụng ý của người ra đề muốn gửi gắm một thông điệp đến thế hệ trẻ hôm nay. “Chúng ta có thể thấy, thế hệ 10x đang sống trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Họ được tiếp xúc với các loại công nghệ hiện đại, tiên tiến, họ được sống trong điều kiện kinh tế đầy đủ hơn. Nhưng với các em, trách nhiệm với đất nước là một khái niệm gì đó rất xa vời” – TS. Lê Thị Thùy Vinh chia sẻ.

TS. Thùy Vinh  cho rằng đọc bài thơ “đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy, ta thấy được trăn trở của nhà thơ về tiềm lực của đất nước. Trong đoạn trích, có đề cập đến tiềm lực về thiên nhiên rất rõ. Qua đó,  những người ra đề thi  năm nay muốn nói đến một vấn đề đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ, trách nhiệm của công dân trẻ đối với đất nước. Đây là trăn trở không những của Nguyễn Duy mà của rất nhiều người đối với thế hệ trẻ ngày nay. Không ít người trẻ hiện nay dường như đang quên đi trách nhiệm của mình với đất nước mà nghiêng về cái tôi cá nhân nhiều hơn.

Đoạn trích của trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy đi xuyên suốt hai câu trong đề Ngữ văn năm nay. Theo TS. Lê Thị Thùy Vinh, khác với mọi năm, trong đề thi, nếu có thơ, thường là những bài thơ ca ngợi thiên nhiên, đất nước, tình yêu... thì năm nay, đề thi đã đưa một đoạn trích trong bài thơ mang tính thời sự xã hội. “Những câu thơ của Nguyễn Duy thường gợi cho người đọc nhiều vấn đề của cuộc sống. Đây là một sự đổi mới chung của Bộ GD&ĐT và người ra đề” -  TS. Lê Thị Thùy Vinh chia sẻ.

Cô Phan Hà Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Lê Qúy Đôn, Hà Đông (Hà Nội) nhận định, đề Văn rất hay, cấu trúc phù hợp nhưng hơi khó so với học sinh THPT.  Cô Thanh phân tích, đề hay bởi vấn đề đặt ra trong các tác phẩm  mang tính thời đại, đòi hỏi thí sinh phải có sự suy nghĩ, trăn trở. Kể cả phần đọc hiểu và câu 1 phần làm văn đều hướng học sinh đến vấn đề lớn của đất nước. Đặc biệt, những câu thơ như: “Sông giàu đằng sông và bể giàu bằng bể/Còn mặt đất hôm nay em nghĩ thế nào?/Lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?” dù đã được tác giả viết từ rất lâu (năm 1980) nhưng đọc lên vẫn có tính thời đại, khiến học sinh phải suy nghĩ thậm chí có lập luận sắc bén, thấu đáo mới giải quyết được câu 4. “Câu 4 đặt thí sinh vào hai tình huống cần phải lý giải đó là Tiềm lực có còn ngủ yên có còn phù hợp thực tiễn? Trong câu hỏi này, thí sinh trả lời có hay không thì đều phải nhận thức sâu sắc mới có lý giải hợp lý”, cô Thanh nói. Cô Thanh dự đoán, với đề như năm nay, đa số thí sinh sẽ đạt mức điểm 6-7 điểm, điểm 8 và 9 là rất khó khăn, không nhiều như năm trước.

Cô Nguyễn Kim Anh - Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) đánh giá: “Đề hay, phân hóa rõ, một trong những cái phân hóa nhất là học sinh phải làm chủ thời gian làm bài, với học sinh chưa vững thì thấy đề yêu cầu dài so với thời gian làm bài là 120 phút”. Học sinh thường ôn về những gì gần gũi  như tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò, những phẩm chất như trung thực, trách nhiệm… Nếu mở rộng nói về lòng yêu nước thì các em thường nghĩ về trách nhiệm dựng xây, bảo vệ theo cách của học sinh có phần “sách vở”. Lần này đề ra về “sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay” có phần thử thách với những học trò ít nghĩ sâu xa về những sứ mệnh với những trăn trở lớn như thế.

Ở câu yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, thí sinh có học lực giỏi sẽ viết được về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của mỗi cá nhân. Vấn đề tiềm lực không chỉ chỉ là tiềm lực tự nhiên như đất đai, khoáng sản … mà còn là tiềm lực tri thức, trí tuệ và sự sáng tạo của con người.

Thí sinh giỏi hào hứng

Nguyễn Thảo Lê, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, đọc đề Văn em rất hứng thú vì đề không đi vào lối mòn yêu cầu bày tỏ suy nghĩ các vấn đề như trung thực, dũng cảm... mà hướng thí sinh sang một khía cạnh mới hoàn toàn là “đánh thức tiềm lực”. Là học sinh giỏi Văn nên Lê viết liền một mạch 10 trang giấy trong vòng 120 phút. “Trước hết đề đặt ra vấn đề đánh thức tiềm lực là vấn đề quan trọng để phát triển đất nước, từ đó mỗi thí sinh phải suy nghĩ mình cần làm gì để thực hiện được điều này”, Thảo Lê nói.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề “đánh thức tiềm lực” đặt ra là quá nặng đối với học sinh tuy nhiên, Thảo Lê khẳng định, học xong lớp 12, thí sinh đã bước vào độ tuổi trưởng thành, cần đặt mình trước các vấn đề lớn hơn để suy nghĩ. Bản thân Lê yêu thích các vấn đề xã hội, thường xuyên xem thời sự, thảo luận các vấn đề nóng cùng bố nên không bất ngờ với đề thi. Cũng theo Lê, đối với các thí sinh khác, lâu nay chưa quan tâm đến các vấn đề như vậy thì đề thi cũng một lần khiến các bạn phải nhìn lại, ít nhất là trước ngưỡng cửa cuộc đời phải suy nghĩ xem mình sẽ làm gì để có ích cho bản thân và rộng lớn hơn là làm gì để góp phần phát triển quê hương, đất nước.

Nguyễn Đăng Anh Tài, học sinh lớp chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cũng nhận định, đề Văn hay nhưng tương đối khó với học sinh trung bình. Tài dẫn chứng, ở phần đọc hiểu, thông thường sẽ là một tác phẩm tương đối dễ hiểu, các câu hỏi thường chỉ hỏi về tác giả, tác phẩm cũng như các biện pháp tu từ. Riêng đề thi năm nay, câu 3, câu 4 phần đọc hiểu đã yêu cầu thí sinh phải có lập luận mới làm được điểm tối đa.

Tài cũng chia sẻ, đề hay vì vấn đề đặt ra trong tác phẩm là vấn đề mới mẻ, vượt tầm suy nghĩ của học sinh. Từ trước đến nay, chúng ta hay nói đến chủ quyền biển đảo, bảo vệ đất nước, bảo vệ giá trị truyền thống... chưa từng nói đến “đánh thức tiềm lực” vì thế học sinh có phần hứng khởi.

Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi rất hay nhưng để làm tới nơi, thấu đáo, đạt điểm cao là rất khó.  Vì vậy, phổ điểm sẽ chỉ rơi vào từ 4-7 điểm, ít thí sinh đạt điểm 8,9.

MỚI - NÓNG