Bộ GD&ĐT thông tin, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 sẽ thêm kiến thức của lớp 11 nhưng chủ yếu là lớp 12. Sẽ nâng cao độ phân hóa của đề thi.
Ngoài ra, năm 2018 có nhiều điểm mới. Cụ thể, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Như vậy, môn thi tự luận duy nhất còn lại ở kỳ thi THPT quốc gia 2017 là Ngữ văn sẽ không quy định lấy đến 0,25 như quy chế trước đây.
Sẽ không còn những trường hợp các mức điểm lẻ khác nhau đều quy về bằng nhau theo các mức 0; 0,25; 0,5; 0,75 như trước đây. Tức là giả sử trong trường hợp thí sinh được 4,99 cũng không được quy tròn thành 5 điểm và sẽ khác biệt với thí sinh đạt 5,01.
Sẽ không có điểm sàn đại học chung, giảm ưu tiên khu vực
Năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định mức điểm sàn xét tuyển ĐH là 15,0 điểm, nhưng năm 2018 sẽ không có mức điểm sàn chung, nhưng các trường ĐH sẽ có quy định riêng. Bộ chỉ quy định điểm sàn cho các ngành sư phạm.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, năm nay có sửa đổi chính sách cộng điểm ưu tiên. Nếu như quy định hiện hành áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 thì năm 2018 mức chênh lệch này chỉ còn 0,25 tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.
Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng chỉ là 0,75 thay vì 1,5 như quy định hiện hành. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn là 1 điểm.
Ngoài những quy định quen thuộc của các năm trước, mùa tuyển sinh 2018 sẽ có một sộ điều chỉnh, cải tiến. Thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì phải thi đầy đủ 2 bài thi này mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút chứ không phải 20 phút như năm 2017. Điều chỉnh này phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo tổ chức thi an toàn, tránh các bất cập có thể xảy ra.
Lịch thi THPT quốc gia chi tiết như sau:
Có dấu hiệu liên quan đến bài thi là bị vi phạm
Trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám thị hành lang, cán bộ coi thi phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… nào khác ngoài bài thi, giấy nháp (có chữ ký của cán bộ coi thi); phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… này nếu phát hiện vi phạm.Trong khoảng thời gian nghỉ chờ và làm thủ tục thi giữa 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, thí sinh đã thi môn thành phần trước đó nếu có nhu cầu đặc biệt và hợp lý thì được cán bộ coi thi xem xét cho phép ra ngoài phòng thi; thí sinh phải nộp Phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi, chịu sự quản lý và phải tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát khi ở ngoài phòng thi.