Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được cơ hội kinh doanh ở những thị trường này. Tuy nhiên, nếu “đầu tư đổ xô” mà không nắm được luật lệ bản địa và những rủi ro có thể xảy ra, rất có thể, các doanh nghiệp sẽ “ngã ngựa”…
Ảnh minh họa. |
Lạc quan một cách thận trọng
Trước làn sóng đầu tư ra nước ngoài đang diễn ra sôi động, các chuyên gia kinh tế nhắc nhở các nhà đầu tư nên “lạc quan một cách thận trọng”. Bởi lẽ, kinh doanh ở một nước từng bị cô lập hoặc một nước chưa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không đơn giản.
Trên thực tế, những dẫn chứng của các chuyên gia kinh tế cũng khiến không ít doanh nghiệp giật mình.
Mới đây, Lao Holdings N.V và công ty con là Sanum Investment Limited gửi đơn tới Trung tâm Quốc tế Giải quyết Tranh chấp đầu tư - một bộ phận độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) - đề nghị giải quyết những tranh chấp pháp lý liên quan đến khối tài sản được tạo nên từ các khoản đầu tư trực tiếp của Sanum Investment, tính đến nay khoảng hơn 85 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Jody Jordahl, Chủ tịch Sanum, giá trị hiện tại của khoản đầu tư lên đến ít nhất 400 triệu đô la Mỹ. Hiện nay, Sanum cho rằng, những chính sách của Chính phủ Lào đã ảnh hưởng đến việc đầu tư của họ, dẫn đến nguy cơ họ có thể mất trắng khối tài sản.
Không riêng gì Sanum Investment Limited, đại diện một công ty ở TPHCM cũng cho biết, đã đầu tư ra nước ngoài để sản xuất đồ nhựa dân dụng. Song, trước đây công ty cũng phải mất tới tròn một năm (cộng cả thời gian chờ cấp phép) mới xin được giấy phép đầu tư.
Theo thống kê, không ít nhà đầu tư Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài, như thiếu thông tin, thiếu nhân lực, cấp phép đầu tư còn chậm, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện... Trong khi đó, mối liên hệ giữa cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ ở nước ngoài với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên khi có vụ việc tranh chấp xảy ra sẽ không tranh thủ được tối đa sự hỗ trợ.
Lưu ý về môi trường đầu tư
Các chuyên gia về kinh tế nhìn nhận, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của một số nước trong khu vực đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, chưa thống nhất, khó tiếp cận.
Ở những nước này, trao đổi về việc đầu tư ban đầu giữa doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền thuận lợi, nhưng khi triển khai, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, quy hoạch đất đai, sự thiếu nhất quán trong áp dụng chính sách, đặc biệt là các quy định do địa phương đặt ra và áp dụng ngoài các chính sách của nhà nước.
Đây là khó khăn cơ bản nhất trong hoạt động đầu tư tại Lào và cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp pháp lý mà một số nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải hiện nay.
Trường hợp của Sanum Investment Limited là một ví dụ, hiện doanh nghiệp này mất quyền kiểm soát câu lạc bộ Thanaleng Slot Machine tại một nước Đông Nam Á. Họ còn bị thu hồi một số giấy phép hoạt động và nhượng quyền các dự án trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ...
Hậu quả là Lao Holdings đã mất 1,8 triệu đô la Mỹ mỗi tháng. Ngoài ra, họ còn bị Tòa án ở nước sở tại áp hơn 23 triệu đô la Mỹ tiền thuế và tiền phạt các hoạt động kinh doanh của Sanum trong nhiều năm trước đây. Giới quan sát đánh giá, những khiếu kiện của Sanum Investment Limited sẽ còn kéo dài và chắc chắn họ sẽ còn chịu thiệt hại nhiều hơn.
Theo một chuyên gia về luật kinh tế, ở một số nước trong khu vực, doanh nghiệp phải đóng nhiều loại thuế và phí như thuế lương thực, thực phẩm, thuế bảo trì đường bộ, thuế thu nhập cá nhân (10% trên tổng thu nhập, không quy định mức thu nhập phải nộp thuế), thuế tài nguyên, chi phí làm thẻ lao động, thẻ lưu trú, nhập khẩu lao động…. Đây là những khó khăn có thể biết trước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần hiểu rõ những nguy cơ và rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư tại những thị trường như vậy, nhất là ở một nước chưa gia nhập WTO để tránh những khiếu kiện không đáng có sau này. |