Đề phòng các bệnh thường gặp khi chuyển mùa

Đề phòng các bệnh thường gặp khi chuyển mùa
TPO - Theo Trung tâm chăm sóc hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thời tiết thay đổi từ mùa nắng sang mùa mưa, tạo điều kiện cho vi trùng, virus sinh trưởng mạnh, rất dễ tấn công vào hệ hô hấp người dân. 

Khi thời tiết chuyển mùa, chúng ta thường dễ cảm sốt, nhức người, ho đàm… do hệ miễn dịch suy yếu, vừa phải thích ứng với thay đổi của thời tiết, vừa phải chống đỡ các virus, vi khuẩn. Đặc biệt, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai là 2 đối tượng mà hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh hoặc suy yếu mạnh nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây ra các bệnh đường hô hấp.

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - thuộc trung tâm - cho biết, để ứng phó với giai đoạn giao mùa, cần có những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch như chích ngừa cảm cúm, chích ngừa viêm phổi, chế độ ăn uống phù hợp (tăng cường vitamin, hoa quả, trái cây, các loại rau xanh, hải sản…). Cần giữ ấm cơ thể không bị cảm lạnh. Đối với những bệnh nặng hơn như viêm phế quản hay viêm phổi, người bệnh cần phải khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng, từ đó sẽ có các loại thuốc phù hợp.

Ngoài ra, các bệnh về da liễu và xương khớp cũng là vấn đề sức khỏe đáng lưu trong lúc giao mùa.

Theo các chuyên gia da liễu, trời mưa kèm khí hậu nóng ẩm là “kẻ thù không đội trời chung” của làn da. Các cơn mưa đầu mùa thưa thớt không đủ cuốn trôi bụi bẩn hay tác nhân gây bệnh có trong môi trường, ngược lại còn làm bốc hơi các yếu tố gây hại này khiến chúng lơ lửng trong không khí. Da sẽ dễ bị tổn thương, viêm, nhiễm... ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống. Một số bệnh thường gặp lúc này như viêm da ánh sáng, bỏng nắng và mề đay do ánh nắng. Hoặc gây tổn thương với dấu hiệu các mảng da đỏ, phù nề, tróc vẩy trên bề mặt, nổi mụn nước, bóng nước. Thường gặp nhất là ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với nắng như mặt, cổ, vùng duỗi cánh tay.

Để phòng ngừa các bệnh da liễu, phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát bằng vải mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày, có chất len dạ, ni lông làm cho da dễ bị ngứa... Nếu chẳng may xuất hiện bất kỳ tổn thương da khả nghi nào, nên đến cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị đúng cách.

Thời tiết chuyển lạnh cũng khiến các mạch máu ngoại vi co lại và làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng. Lời khuyên tốt nhất cho mọi người để phòng bệnh này trong mùa mưa đó là bạn nên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày.

Ngày 13/6, Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng tương đối ổn định. Số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 7.873 ca, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tính trung bình số ca mắc các tuần giảm hơn 30% so các tuần trước. Còn tay chân miệng, từ đầu năm đến nay tại TPHCM ghi nhận 2.138 ca mắc, giảm 27% so với cùng kỳ. Chưa có trường hợp tử vong.

MỚI - NÓNG