Nhóm bị cáo trong đó có Nguyễn Thị Phúc Ngân, Bùi Ngọc Quyên và Lương Thị Việt Yên gửi đơn kháng cáo kêu oan. Các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đối với Huỳnh Thị Huyền Như bị tuyên án chung thân vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tính đến thời điểm này, tòa chưa nhận được đơn kháng cáo.
Theo luật định, sau khi bản án được tuyên, các bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày. Tuy nhiên, do vụ án được tuyên vào những ngày cận Tết Nguyên đán (27 tháng Chạp âm lịch) nên thời hạn kháng cáo của các bị cáo có thể được xem xét, kéo dài thêm một số ngày tương ứng.
Các nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án gồm: Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Cty Cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS), Cty Cổ phần chứng khoán Toàn Cầu, Cty An Lộc, Ngân hàng Nam Việt (Navibank)... đồng loạt gửi đơn kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại phần trách nhiệm dân sự mà án sơ thẩm đã tuyên và xác định lại tư cách tham gia tố tụng của các pháp nhân có liên quan.
Theo luật định, sau khi bản án được tuyên, các bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày. Tuy nhiên, do vụ án được tuyên vào những ngày cận Tết Nguyên đán (27 tháng Chạp âm lịch) nên thời hạn kháng cáo của các bị cáo có thể được xem xét, kéo dài thêm một số ngày tương ứng.
Cụ thể, ACB kháng cáo toàn bộ nội dung bản án liên quan đến ngân hàng này và tiếp tục yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả toàn bộ số tiền đã bị chiếm đoạt. Phía ACB cho rằng, bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. ACB không đồng ý với toàn bộ các phần có liên quan đến ACB trong bản án sơ thẩm.
ACB khẳng định, quan hệ tiền gửi với Vietinbank là hợp pháp nên yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm trả cho ACB tổng cộng hơn 913,3 tỷ đồng (bao gồm 718,9 tỷ đồng tiền gốc và 194,4 tỷ đồng tiền lãi).
Ngoài ra, trong đơn kháng cáo bổ sung được gửi đi vào ngày 7/2 (mùng 6 Tết), ACB cũng kháng cáo về tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như trong việc chiếm đoạt số tiền mà ACB gửi tại Vietinbank.
Theo đó, ACB tái khẳng định đã chuyển tiền cho Vietinbank chứ không phải chuyển cho Huyền Như nên Vietinbank có trách nhiệm quản lý tiền. Tiền sau khi vào tài khoản của Vietinbank thì bị Huyền Như với tư cách là quyền Trưởng phòng giao dịch giả chữ ký của khách hàng để chiếm đoạt.
Như vậy, theo ACB, hành vi của Huyền Như có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản và đại diện ngân hàng này đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Tham ô tài sản” (khung hình phạt của tội danh này ở mức cao nhất là tử hình – PV) đối với hành vi chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng mà ACB gửi tại Vietinbank.
Một số nguyên đơn khác cũng cho rằng bản án sơ thẩm vừa vi phạm về thủ tục và nội dung khi không buộc Vietinbank phải bồi thường, xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank và các đơn vị này trong vụ án...
Trong ngày cận Tết, Hội đồng xét xử của TAND TPHCM mới tuyên án vụ siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng sau nhiều ngày tranh cãi căng thẳng giữa luật sư bảo vệ các bị cáo và nguyên đơn dân sự, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Ngoài mức án chung thân được tuyên cho bị cáo Huyền Như, 22 bị cáo còn lại bị tòa tuyên phạt từ 1 năm tù đến 20 năm tù giam về các tội “Cho vay nặng lãi”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Về phần trách nhiệm dân sự, theo bản án của cấp sơ thẩm, tuyên buộc Như và các bị cáo liên đới bồi thường gần 4.000 tỷ đồng cho 9 doanh nghiệp, 3 ngân hàng và 3 cá nhân được xác định là bị hại và nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Đồng thời, HĐXX cũng đề nghị khởi tố 8 cá nhân khác đã có hành vi giúp sức cho Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng của ngân hàng Quốc Tế (VIB) nhưng chưa bị khởi tố; kiến nghị điều tra, khởi tố đối với hai phó giám đốc Vietinbank - chi nhánh TPHCM là bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.