> 23 bị cáo trong vụ lừa đảo 4.000 tỷ đồng ra tòa
> 'Đại án' chấn động lịch sử Ngân hàng: Siêu lừa thoát tội tham nhũng?
47 luật sư tham gia
Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro, quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank, chi nhánh TPHCM) được áp giải đến tòa từ sớm. Bị cáo mắt đeo kính gọng đen, dáng người nhỏ nhắn trong chiếc áo màu hồng, thái độ khá bình tĩnh.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM. Do vụ việc gây thiệt hại đặc biệt lớn, phức tạp, liên quan nhiều người, nên số người tham gia tố tụng rất đông. Ngoài 23 bị cáo bị đưa ra xét xử, còn có 15 đơn vị, cá nhân là nguyên đơn dân sự và bị hại, 79 cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 47 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo (riêng Huỳnh Thị Huyền Như có 3 luật sư bào chữa); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Huyền Như sinh con trong trại giam Ở phần kiểm tra nhân thân, Huỳnh Thị Huyền Như khai: “Bị cáo bị bắt giam ngày 30/9/2011 (khi ấy đã mang thai 4 tháng - PV) và trong thời gian tạm giam đã sinh con tên là Trương Xuân Mai vào tháng 1/2012 nhưng chưa được làm giấy khai sinh bởi cháu bé sinh trong thời gian bị tạm giam. Đồng thời, bị cáo cũng chưa đăng ký kết hôn với chồng”. |
Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn (41 tuổi, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank) cùng bị truy tố về 6 tội danh; ngoài ra Như còn bị cáo buộc thêm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Bốn bị cáo khác bị xét xử về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phạm Anh Tuấn (36 tuổi, Giám đốc Cty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương) tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Huỳnh Thị Việt Yên (40 tuổi, nguyên Trưởng phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Hồ Hải Sỹ (30 tuổi, Phó phòng giao dịch VietinBank Nhà Bè); Lê Thị Ngọc Lợi (27 tuổi, nhân viên VietinBank Nhà Bè) tội thiếu trách nhiệm.
Mười bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên phòng giao dịch chi nhánh của VietinBank bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng...
Đề nghị triệu tập hàng loạt cựu lãnh đạo ACB
Tại tòa, nhiều các luật sư đã đề nghị HĐXX tạm hoãn tòa. Luật sư của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng các hợp đồng do nhân viên ngân hàng này ký là ký với VietinBank nên yêu cầu HĐXX triệu tập lãnh đạo VietinBank với tư cách bị đơn dân sự.
Liên quan việc ACB bị xác định là đơn vị đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỷ đồng, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng HĐXX cần triệu tập những người có trách nhiệm tại ACB thời điểm xảy ra vụ việc là Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB, nguyên Bộ trưởng bộ Kế hoạch Đầu tư), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) và Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - đều nguyên Phó Chủ tịch ACB.
Theo luật sư Tám, những cán bộ lãnh đạo ACB trên có liên quan trực tiếp đến vụ việc nên cần phải tham dự phiên tòa để thẩm vấn, xem xét trách nhiệm. Nhóm người luật sư Tám đề nghị tòa triệu tập hiện đều đang bị truy tố trong vụ cố ý làm trái, kinh doanh trái phép xảy ra tại ACB.
Còn luật sư của Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) cho rằng cáo trạng xác định thiệt hại của Navibank 200 tỷ đồng là không chính xác. Theo luật sư này, số tiền đã được thu hồi nên Navibank không mất mát gì. Trước khi phiên tòa mở, vị luật sư của Navibank đã có đơn gửi HĐXX xin tạm hoãn tòa vì chỉ được 2 ngày sao chụp hơn 1.000 trang hồ sơ, tài liệu, nên không có thời gian nghiên cứu.
Trước đề nghị của các luật sư, HĐXX phải tạm hoãn 15 phút và sau đó công bố quyết định bác các yêu cầu của luật sư. Toà cho rằng, việc xác định tư cách bị đơn dân sự sẽ diễn ra trong suốt quá trình xét xử; về nhân chứng, HĐXX cũng đã triệu tập đầy đủ, nếu trong quá trình xét xử, xét thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm.
Sau đó, công tố viên đã đọc bản cáo trạng dài 72 trang và kết thúc chiều 6/1. Hôm nay (7/1), HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến 24/1.
Chiêu lừa hơn 4.000 tỷ đồng Theo cáo trạng, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là cán bộ tín dụng VietinBank chi nhánh TPHCM, đã vay cá nhân trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán. Nắm được nghiệp vụ ngân hàng, cộng với chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với hạn mức 50 tỷ đồng một lệnh, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như giả danh VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM để huy động tiền. Như thuê làm giả 8 con dấu VietinBank chi nhánh Nhà Bè; Cty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm toàn cầu, Saigonbank - Berjaya. Sau đó, Như huy động vốn với mức hưởng lãi suất chênh lệnh cao bằng việc sử dụng tài liệu giả và các con dấu giả trên để đưa các con mồi vào bẫy. Theo đó, các nạn nhân đã rót tiền vào VietinBank chi nhánh TPHCM, Nhà Bè để Như chiếm đoạn hàng nghìn tỷ đồng. |