Đề nghị đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa

Đề nghị đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa
Chất vấn Bộ trưởng Giáo dục chiều 22/3, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc trước sai sót trong việc in ấn cờ, bản đồ trong sách tham khảo, đồng thời đề nghị đưa kiến thức về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa.

> Tràn lan sách tham khảo thiếu nhi 'gốc' Trung Quốc
> Tăng cường quan tâm học sinh vùng biên

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận chiều 22/3, nhiều đai biểu lo ngại về tình trạng in ấn mắc nhiều lỗi nghiêm trọng. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông gần đây liên tiếp xuất hiện các sách in cờ Trung Quốc, in bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo Bộ trưởng Luận, trong số các sách in cờ Trung Quốc chỉ có một cuốn do nhà xuất bản thuộc hệ thống của Bộ Giáo dục ấn hành. Vấn đề này liên quan tới trách nhiệm của hai bộ Giáo dục và Thông tin Truyền thông. Sai sót này theo người đứng đầu ngành Giáo dục là do chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn sau khi có Luật xuấn bản mới (vừa được Quốc hội thông qua).

Còn cuốn sách mà đại biểu Thông nêu là không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Luận cho biết, đây là sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Trên cuốn này có in đảo, nhưng chú thích nhỏ. Việc này sẽ được sửa chữa.

Liên quan tới chủ đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi trực diện hơn: "Bộ trưởng nghĩ gì về việc ngành giáo dục đã quá chậm trễ trong việc đưa kiến thức về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào nhà trường, vào sách giáo khoa và vào chương trình giảng dạy học lịch sử phổ thông? Trong khi đó ngày càng xuất hiện nhiều sai sót khó có thể chấp nhận trong việc giáo dục ý thức chủ quyền đất nước trong một số sách do ngành Giáo dục biên soạn và xuất bản như vừa qua?".

Tuy nhiên, câu trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục "không ăn nhập" với câu hỏi khi ông gần như lặp lại câu trả lời đối với đại biểu Lê Minh Thông và hứa "sẽ có văn bản để chấn chỉnh".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thắc mắc, những cuốn sách như sách đánh vần tại sao Việt Nam không viết được mà phải in từ mẫu của Trung Quốc. Bộ trưởng Luận cho rằng, những sách tốt vẫn được khuyến khích dịch. Việc dịch tràn lan sách tham khảo là do các nhà xuất bản, Bộ không thể kiểm soát vì họ thực hiện theo Luật xuất bản. Về phần mình, Bộ sẽ dựng hàng rào kĩ thuật không cho sách kém chất lượng xâm nhập vào trong các nhà trường.

Xoay quanh chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi: "Tại sao không có giải pháp cho các trường đại học danh tiếng trên thế giới để tự mở hoặc liên kết đào tạo ở Việt Nam? Tại sao chủ trương giảm tải chưa được thực hiện bằng việc chỉ dùng kết quả của THPT để tuyển sinh ĐH, CĐ?".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, quy mô đào tạo trong 10 năm qua của các trường đã tăng gấp đôi và đã ở mức "tới hạn", còn chủ trương cho mở thêm các trường phải theo hướng không tràn lan.

"Bộ Giáo dục đã tiến hành kiểm tra rà soát những trường mới và cả các trường có truyền thống. Nếu không đảm bảo thì phải dừng tuyển sinh. Đây là việc bình thường. Năm vừa rồi mới làm thì mọi người thấy chưa quen nhưng sắp tới sẽ thành một việc như nề nếp của Bộ", ông Luận khẳng định.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay, chủ trương khuyến khích các trường nước ngoài hoặc liên kết đào tạo đã có. Hai trường đại học liên kết với Đức và Pháp vừa lần lượt được xây dựng ở Bình Dương và Hòa Lạc (Hà Nội).

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo các trường liên kết mở các chương trình đào tạo và hiện có tới 40 chương trình cung cấp đào tạo được các nước liên kết công nhận. Sinh viên tốt nghiệp lập tức nhận được việc làm.

Song, mặt trái của việc liên kết cũng bộc lộ khi gần đây qua thanh tra, phát hiện một số trường liên kết với trường ngoài chất lượng không tốt. Một số cơ sở thực chất là dạy nghề nhưng cho đào tạo cả hệ đại học, vi phạm pháp luật và phải xử lý đóng cửa.

Để dùng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học, Bộ trưởng Giáo dục cho rằng, việc thi phải gắn với học, thay đổi cách thi phải thay cách học chứ không thể thay đổi giật cục kỳ thi khi cách học chưa đổi. "Nhiều đề xuất cho gộp nhưng muốn thế phải nghiêm túc, khắc phục được bệnh thành tích đang tồn tại hiện nay", ông nói.

Cũng liên quan đến chất lượng đào tạo khi mà hàng nghìn sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và nhiều đại biểu khác yêu cầu Bộ Giáo dục làm rõ trách nhiệm quản lý và đưa ra giải pháp.

Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, nguyên nhân là do "cung", "cầu" không gắn với nhau, chưa gắn các trường với thị trường lao động, quy mô đào tạo chưa được cân đối, ví dụ như ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng, tài chính. Phần trả lời của Bộ trưởng Luận được đại biểu Lê Thị Nga "gật đầu" song đại biểu Ngô Văn Minh thì cho là "giải pháp chưa rõ, chưa mạnh".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Hoàng Hà
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước câu hỏi của đại biểu về phương án thiết kế chương trình giáo dục phổ thông 10, 11 hay giữ nguyên 12 năm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay, nhiều ý kiến nghiêng về phương án 11 và 12 năm.

Các nhà khoa học, chuyên gia đã đưa ra quan điểm, luận chứng để so sánh, đánh giá, phản bác nhưng hiện Bộ vẫn ở giai đoạn "lắng nghe" và sẽ có báo cáo đầy đủ trong thời gian tới.

Trực tiếp nêu câu hỏi vào giữa buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề dạy tiếng Việt, dạy chữ cho cộng đồng 4 triệu người Việt ở nước ngoài, nhất là đối với các thế hệ sau.

"Đồng bào ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời nhưng tình trạng mù chữ, không biết nói, viết tiếng Việt rất nghiêm trọng. Bộ trưởng có chấm dứt được tình hình này không, bằng cách nào? Mấy đời bộ trưởng thì làm được?", ông Hùng chất vấn.

Đối với vấn đề chất lượng giáo dục, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi liệu đến hết nhiệm kỳ có chuyển biến được không cũng như đến bao giờ mới có nền giáo dục khiến cả người dân lẫn bộ trưởng yên tâm.

Câu hỏi tuy ngắn nhưng phần trả lời của Bộ trưởng Luận khá dài. Sau hai lần Chủ tịch Quốc hội ngắt lời, người đứng đầu ngành giáo dục mới trả lời thẳng vào câu hỏi. Theo ông Luận, việc dạy tiếng Việt cho kiều bào phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Bộ Giáo dục sẽ bằng mọi công cụ và phương tiện để đưa chương trình này đến cho cộng đồng người Việt.

"Bộ không có đủ điều kiện để khẳng định đến năm nào tất cả các cháu, nhất là thế hệ 3-4 đạt được kết quả như câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội", ông Luận nói.

Tổng kết phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, 23 đại biểu đã hỏi trực tiếp. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị bộ trưởng cần quan tâm cả 3 lĩnh vực được các đại biểu đề cập, đó là việc hoàn thiện sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và sử dụng hiệu quả ngân sách cho ngành giáo dục.

Theo Nguyễn Hưng - Hoàng Thùy
vnexpress.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.