Đề nghị Chính phủ quản cước vận tải

Liệu hành khách hy vọng được hưởng lợi từ việc nhà nước quản lý giá cước vận tải. Ảnh: Bảo An.
Liệu hành khách hy vọng được hưởng lợi từ việc nhà nước quản lý giá cước vận tải. Ảnh: Bảo An.
TP - Trước tình hình doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm mạnh, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ đưa cước vận tải vào danh mục hàng hóa phải thực hiện bình ổn giá. Việc kê khai giá cước cũng được đề nghị thực hiện trên diện rộng, không bó hẹp như trước...

Không nên tiếp tục “thả rông”


“Hiện, giá cước vận tải bằng ô tô thực hiện theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, mặc dù xăng dầu giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp (DN) vận tải chưa kịp thời điều chỉnh giảm giá cước vận tải gây bức xúc trong dư luận xã hội” - đó là nhận định trong văn bản Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường gửi Bộ Tài chính, ký ngày 1/12. Ngoài lý do này, theo lãnh đạo Bộ GTVT, cước vận tải có vai trò quan trọng cấu thành nên giá của các hàng hóa dịch vụ khác nên nhân dân đặc biệt quan tâm. 

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp quản lý giá với cước vận tải. Cụ thể, đề nghị đưa cước vận tải vào danh mục các hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện bình ổn giá (do Chính phủ ban hành). Nếu điều này được chấp thuận, cước vận tải sẽ chịu sự quản lý của Nhà nước tương tự như xăng dầu, sữa, điện.

Ngoài ra, với quy định hiện hành, trong vận tải đường bộ hiện nay, chỉ có vận tải hành khách tuyến cố định và taxi thuộc diện bắt buộc kê khai giá; các loại hình vận tải khác khách theo hợp đồng, du lịch, vận tải hàng hóa không phải kê khai. Điều này dẫn đến tình trạng kê khai thấp, kê khai thiếu để trốn thuế dù giá cước thực tế cao hơn nhiều. Vì vậy, Bộ GTVT cũng đề nghị đưa tất cả hoạt động vận tải đường bộ phải thực hiện bắt buộc kê khai giá. 

Tại cuộc họp triển khai các quy định mới trong quản lý vận tải chiều 1/12, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cho hay, vừa qua, dù được tự quyết về giá nhưng các DN rất lo ngại khi các đoàn kiểm tra vì sợ “lộ” việc kê khai thiếu, bị truy thu thuế. Chính vì vậy, nhiều DN vận tải đã nhanh chóng giảm giá cước. “Nếu thực hiện nghiêm kê khai giá cũng có thể điều tiết được giá cước” – ông Hùng nói.

Trong một diễn biến khác, ngày 1/12, Bộ Tài chính ban hành thông tư liên tịch yêu cầu Sở Tài chính, phối hợp với Sở GTVT tiếp tục kiểm tra, giám sát các DN kinh doanh vận tải ô tô thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải; yêu cầu tính toán lại giá thành phù hợp với tác động giảm của giá xăng dầu (giảm sâu 2 đợt trong tháng 11). Trường hợp cần thiết, Sở Tài chính phối hợp với chính quyền địa phương lập đoàn kiểm tra để tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá (chú trọng kiểm tra thực hiện kê khai, niêm yết giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá).

Có dẹp nổi xe khách trá hình?

Liên quan đến tình trạng xe khách hợp đồng, du lịch hoạt động trá hình như xe khách (Tiền Phong liên tục phản ánh trong nhiều tháng qua), ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) khẳng định đây là một trọng tâm trong các quy định mới về quản lý vận tải mới ban hành. Theo ông Ngọc, tình trạng xe khách trá hình, bắt khách dọc đường này không những tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN. 

Ông Ngọc cũng thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT trong việc loại bỏ hiện tượng này thông qua thực hiện các quy định mới như yêu cầu DN vận tải thực hiện chế độ báo cáo, không được thu tiền, ký hợp đồng với từng hành khách... Chẳng hạn, với quy định xe hợp đồng, du lịch phải khai báo thông tin cho sở GTVT trước chuyến đi, ông Ngọc cho biết, các sở GTVT sẽ xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và kiểm tra đột xuất. “Sự phân định này trá hình sẽ không còn tồn tại” – ông Ngọc nói.

Liên quan đến loại hình taxi hoạt động thông qua internet xuất hiện nhiều tại TPHCM và Hà Nội gần đây (thường gọi là taxi Uber), ông Ngọc cho rằng, dù một bộ phận người dân hài lòng vì giá rẻ, tiện lợi, nhưng loại hình này có biểu hiện trốn thuế, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn giao thông (xe không được kiểm soát qua DN vận tải), nguy cơ mất an toàn tính mạng và tài sản cho cả chủ xe và khách. Ông Ngọc khẳng định, đây là hình thức kinh doanh vận tải trái quy định pháp luật. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng có văn bản gửi Bộ Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông phối hợp làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có của loại hình này.

Chấp thuận cho xe Sao Việt hoạt động trở lại

Liên quan đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Sapa (Lào Cai) làm 14 người chết và nhiều người bị thương hôm 1/9, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Việc điều tra cơ bản đã hoàn tất; công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với tài xế xe khách. Đến nay, sau khi xem xét đề nghị của Sở GTVT Hà Nội, UBND tỉnh và Sở GTVT Lào Cai, Bộ GTVT chấp thuận cấp phép hoạt động trở lại cho Cty Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt).


MỚI - NÓNG