Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các HĐCT, các phòng thi và thí sinh.
Theo đánh giá chung ban đầu, đề thi các môn có nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới mục tiêu thi là hướng đến đánh giá năng lực người học.
Phần đọc hiểu trong đề thi môn ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài SGK; đề thi môn ngữ văn, lịch sử, địa lý có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật được những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân và phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh.
“Đề thực hiện đổi mới đề thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, đề thi tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi “mở” yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức tổng hợp và hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong thực tế.
Đề thi được đánh giá có tác động tích cực đến quá trình dạy học, từng bước khắc phục tình trạng học tủ, mang tài liệu vào phòng thi, sử dụng các khuôn mẫu có sẵn, do đó góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm”, ông Mai Văn Trinh cho biết.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, những đổi mới về đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh đã phát huy tính chủ động, hứng thú và tư duy sáng tạo của thí sinh. Đề thi các môn có tính thời sự, gắn với các vấn đề của thực tiễn của cuộc sống, có tác động tích cực đển tình cảm, đạo đức thí sinh và có ảnh hưởng tốt trong xã hội”.
Trả lời câu hỏi của báo chí về đề mở thì đáp án và cách chấm có mở, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đề mở thì đáp án phải mở.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất hướng dẫn chấm và người chấm. Nếu học sinh có ý tưởng, có cách trình bày ý tưởng đó, truyền tải được thông điệp đến người đọc, tác động đến tình cảm của người đọc và không trái với thuần phong mỹ tục, không trái pháp luật... đều có thể được điểm chứ không nhất thiết phải giống hoàn toàn với đáp án.
Đề Văn “mở” nhưng có khó?
Trước câu hỏi của báo chí xung quanh đề Ngữ văn năm nay có phần khó, ở câu số 2 chiếm 7 điểm xung quanh vở kịch Hồn Trương Ba, Da hàng thịt, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, đề thi năm nay Bộ đã nói từ đầu, thi tốt nghiệp không yêu cầu quá cao, yêu cầu kiến thức cơ bản, nhưng vẫn có những em học giỏi và những em trung bình. Đề thi mà các câu hỏi không có tác dụng phân hóa, không có tác dụng đánh giá được học sinh thì đề như thế chưa phải đã tốt.
Thứ trưởng Hiển cũng cho biết thêm, đề thi môn Ngữ văn được đánh giá là “mở” nên đáp án cũng phải “mở”, nên Bộ cần cân nhắc thêm.
“Hiện nay cũng chưa khẳng định bản hướng dẫn chấm thi đã hoàn thiện hay chưa hoàn thiện, cần thời gian để các chuyên gia cân nhắc để có đáp án tốt nhất, có hướng dẫn chấm tốt nhất. Khi nào có chúng tôi sẽ thông báo ngay”- Thứ trưởng khẳng định.
Những điểm mới cơ bản của kì thi
Điều chỉnh môn thi, hình thức thi: giảm số môn thi xuống còn 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn học sinh tự chọn trong các môn thi Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn; đề thi môm Ngoại ngữ có thêm phần thi viết.
Xét công nhận tốt nghiệp: kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 theo trọng số 50% + 50% để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp; điều chỉnh quy định điểm liệt (1,0 thay vì 0 điểm như trước đây).