Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết: Yêu cầu với đại biểu của dân ngày càng cao. Từ năm 1999 tôi đã làm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, khi đó là chủ tịch UBND phường. Khi ngồi ghế chính quyền thì mình là chủ tịch phường nhưng khi là thành viên ban pháp chế HĐND TP mình là đại biểu cho nhân dân thành phố. Thậm chí khi tôi phát biểu “đụng chạm”, chủ tịch quận Hoàn Kiếm khi đó nhắc nhở tôi vì nói thế “ảnh hưởng” đến quận. Tôi nói rằng khi tôi hoạt động tại HĐND thì tôi độc lập. Mình phải thoát ra được cái đó mới hoạt động được.
Quốc hội đang xem xét Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội. Điều này tác động ra sao đối với hoạt động của cơ quan dân cử, thưa ông?
Tôi nghĩ đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên có tình trạng hiểu khác nhau về vấn đề này. Bản chất đây là tổ chức thí điểm mô hình chính quyền 2 cấp, cấp thành phố và cấp quận. Tại phường khi đó không phải là một cấp chính quyền mà chỉ thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của chủ tịch UBND quận.
Hà Nội vừa xảy ra hàng loạt các vụ việc gây bức xúc dư luận như sự cố nước sông Đà, vi phạm trong quản lý đất rừng Sóc Sơn, sự cố môi trường nhà máy Rạng Đông…Những vấn đề này đã được HĐND thành phố giám sát, cảnh báo chưa, thưa ông?
Tôi khẳng định những vấn đề này đều đã được cảnh báo, giám sát rất cụ thể. Tuy nhiên nguyên nhân nằm ở khâu tiếp thu các ý kiến của HĐND còn đạt thấp. Theo tôi có thời điểm mới chỉ đạt khoảng từ 20-30% và thường là rất chậm, để lại hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay việc tiếp thu đã cải thiện hơn.
Tôi ví dụ tại Sóc Sơn, năm 2004 Ban pháp chế giám sát, năm 2005 chất vấn, cơ quan chức năng vào cuộc và sau đó khởi tố, bắt một loạt cán bộ. Nhưng dù HĐND cảnh báo đến thế vẫn không chặn được những sai phạm tiếp theo sau này. Hay là tại Ba Vì, chúng tôi đã có cảnh báo rất sớm những sai phạm về đất đai. Khu Điền viên thôn cảnh báo từ 2006 nhưng không thực hiện. Hay như sai phạm tại Cty Quản lý và Phát triển Nhà, HĐND đã cảnh báo nhiều, chất vấn, thậm chí yêu cầu khởi tố mà không ai làm… Vụ cháy nhà xưởng Cty Rạng Đông, HĐND đã nhiều lần giám sát việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, vấn đề phòng cháy.
Ông được biết đến là đại biểu “đầy gai góc” khi đưa thực trạng quản lý biệt thự Pháp cổ, xây cao ốc cạnh Hồ Gươm ra chất vấn lãnh đạo thành phố. Điều gì giúp một đại biểu như ông không ngại “đương đầu”?
Linh hồn của Hà Nội chính là phố cổ, các biệt thự Pháp, hồ nước. Những năm 1994 - 1998 nhiều biệt thự cổ của Hà Nội bị phá dỡ không thương tiếc. Tôi là người nổ phát súng đầu tiên đưa ra nghị trường về vấn đề quản lý biệt thự. Thành phố cũng thấy được việc đó, đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND về quản lý biệt thự. Ra nghị quyết rồi, nhưng khi triển khai thì lại bị biến tướng, một loạt biệt thự bị đưa ra khỏi danh mục quản lý, bảo tồn. Đến khi rà soát thì “mất” đúng 108 biệt thự!
Thứ hai là giữ Hồ Gươm không thành “cái ao làng”. Tập đoàn điện lực khi đó đề xuất xây tòa tháp cao đến 26 tầng cạnh Hồ Gươm. Khi Ban pháp chế HĐND phát hiện ra thì dự án sắp làm đến nơi rồi. Chúng tôi bàn luận và quyết định đưa ra chất vấn. Dự án này sau đó bị dừng lại. Vấn đề quy hoạch khu vực xung quanh sau đó đã được luật hóa…
Tôi luôn đặt trách nhiệm trước cử tri lên trên hết. Khi chất vấn, giám sát, tôi làm quyết liệt đến cùng nhưng không “truy sát” ai!
Cảm ơn ông.