Thảo luận ở về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 25/10, đa số ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND. Tuy nhiên, đối với HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành là 2 Phó Chủ tịch HĐND.
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), trong định hướng của Đảng hiện nay, bí thư tỉnh ủy sẽ kiêm chủ tịch HĐND. Do đó cần 2 phó chủ tịch HĐND là phù hợp. “Công tác giám sát đòi hỏi chuyên môn rất cao nên cần 2 phó chủ tịch để một phụ trách về kinh tế, một phụ trách về văn hóa xã hội mới đủ chuyên môn sâu để giám sát hiệu quả”, ông Hiểu nêu ý kiến.
Đặc biệt, ông Hiểu lưu ý, khi bàn giảm hay tăng chuyên trách cần đứng trên quan điểm là “giảm chỗ nào cần giảm, chỗ nào giữ thì phải giữ”, kèm theo đó phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu HĐND.
“Đây mới là cái gốc của vấn đề. Nếu không có thể dẫn đến việc rất phản cảm là có nhiều nơi người ta dùng đến từ “nghị gật” tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương, không phát biểu được, nhân dân thì nóng, hội trường HĐND cấp huyện, xã thì rất lạnh, không đại biểu nào có ý kiến”, ông Hiểu nói.
Bên cạnh đó, với xu hướng hiện nay, chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp là tức là phân quyền, do vậy việc tăng cường giám sát là hết sức cần thiết. Từ đó, theo bà Hằng, giữ nguyên số lượng phó chủ tịch HĐND là để đảm bảo tính bao quát và xác định cụ thể số lượng phó chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách.
"Thưa Quốc hội, nếu như chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách và chỉ có 1 phó chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp cũng... thiếu người. Bởi không phải cuộc họp nào, chủ tịch HĐND cũng đi", bà Hằng cho hay.