Giám sát còn “thả nổi”
Theo Dự thảo báo cáo, trong 5 năm qua, QH khóa XIII đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới mạnh mẽ, thống nhất ý chí và hành động, nâng cao hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Trong đó điểm nhấn nổi bật nhất là QH đã thông qua Hiến pháp năm 2013 với nhiều nội dung thể hiện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử, QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của QH đã phản ánh chân thực tình hình thực tế, là nguồn thông tin, đánh giá để giúp từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác.
“Báo cáo viết là có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung lực, có những phát ngôn chưa chuẩn mực… Vậy đó là những đại biểu nào, bởi hai đại biểu vi phạm pháp luật thì đã bị bãi nhiệm rồi”.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hoạt động giám sát của QH vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, hạn chế và ít nêu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan còn chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa được như mong muốn.
“Chúng ta quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí là 70km/ nhưng ở Gia Lai chúng tôi, 60km mà lại có đến hai trạm. Còn tính rộng ra thì từ TPHCM đến Gia Lai có không biết bao nhiêu trạm thu phí, dư luận nói mãi nhưng không thấy có thay đổi gì cả. Tôi nghĩ cái này QH phải giám sát chứ”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu ý kiến.
Đánh giá kỹ chất lượng đại biểu
Về chất lượng đại biểu, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc đa số đại biểu QH có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật. Nhiều đại biểu có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, hoạt động của một số đại biểu QH, nhất là đại biểu kiêm nhiệm có những hạn chế nhất định, như gặp khó khăn về bố trí thời gian, các điều kiện bảo đảm hợp lý để thực hiện nhiệm vụ. Một số đại biểu QH chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến, nội dung phát biểu chất lượng thấp...
Đặc biệt, ông Phúc nhấn mạnh, có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Trong nhiệm kỳ XIII, QH đã tiến hành một cách dân chủ, công khai, đúng pháp luật việc bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu tỉnh Long An (tại kỳ họp thứ 3) và bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu thành phố Hà Nội (tại kỳ họp thứ 9).
Chưa đồng tình với đánh giá trên, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị báo cáo cần viết rõ hơn về việc bãi nhiệm hai đại biểu trên để rút ra bài học kinh nghiệm cho khóa sau. “Hai đại biểu này tự ứng cử, đầu vào không chặt chẽ, để “lọt” dẫn đến bị bãi nhiệm”, ông Sơn nói. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị đánh giá kỹ về chất lượng đại biểu QH khóa XIII. “Báo cáo viết là có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung lực, có những phát ngôn chưa chuẩn mực… Vậy đó là những đại biểu nào, bởi hai đại biểu vi phạm pháp luật thì đã bị bãi nhiệm rồi”, bà Mai thắc mắc.