Để có 'sân chơi' lành mạnh, bình đẳng

TP - Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, kiến tạo thể chế là kiến tạo tương lai. Thế nhưng, việc xây dựng và ban hành luật, nghị quyết đã khó, để đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Do vậy, yêu cầu đặt ra trong triển khai các đạo luật là phải tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

“Bệ phóng” cho phát triển

Cùng với hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động lập pháp là một trong ba chức năng chính của Quốc hội. Thông tin tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đến nay, Quốc hội đã hoàn thành gần 82% tổng số nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Với ba kỳ họp còn lại của nhiệm kỳ khóa XV, chắc chắn nhiệm vụ lập pháp sẽ được hoàn thành theo chương trình, nhiệm vụ đề ra.

Nhìn lại công tác xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, với 11 dự án luật cùng nhiều nghị quyết được thông qua, đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ. Theo đánh của đại biểu Quốc hội, các dự án luật được cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra làm việc rất nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, tiến độ ngay từ khâu xây dựng dự thảo tới việc thảo luận, lấy ý kiến, giải trình tiếp thu. Để bảo đảm mục tiêu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu quả”, Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan khẩn trương triển khai hiệu quả các các luật, nghị quyết được thông qua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tổng số các luật được Quốc hội thông qua, có nhiều dự án rất quan trọng được cử tri và nhân dân quan tâm, kỳ vọng. Điển hình phải kể đến Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng. Hay như các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo “bệ phóng” cho phát triển các tỉnh, thành như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An…

Để có 'sân chơi' lành mạnh, bình đẳng ảnh 1

Quốc hội đã hoàn thành gần 82% tổng số nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong cả nhiệm kỳ

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, việc thông qua các đạo luật trên góp phần giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Đặc biệt, quyết định đưa các luật về bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8 sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho hay, có rất nhiều điểm mới được người dân trông đợi khi Luật Đất đai 2024 được thông qua. Rất nhiều chính sách sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đặc biệt, đối với phần đất không có giấy tờ, không có tranh chấp sẽ được xem xét cấp sổ đỏ. Điều này không chỉ đáp ứng mong đợi của người dân, mà nhà nước cũng có thêm nguồn thu từ chủ trương này.

Cùng với việc hoàn thiện dự án luật, các nghị định, thông tư, văn bản dưới luật đã được các bộ, ngành, địa phương gấp rút triển khai để có thể áp dụng ngay sau khi luật có hiệu lực. Trong đó, Chính phủ đã ban hành quyết định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi. Theo đó, các đối tượng trên sẽ được hưởng nhiều chính sách về hỗ trợ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, người có đất thu hồi cũng được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và được vay vốn hỗ trợ, ưu đãi…

Ngăn chặn “cài cắm”…

Trong quá trình xây dựng pháp luật, một trong những nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Quốc hội đề ra, dù chỉ một ý kiến nhỏ nhưng các cơ quan vẫn phải thẩm định, giải trình và tiếp thu cặn kẽ, đảm bảo chất lượng tốt nhất, tạo đồng thuận cao nhất khi luật được thông qua. “Tôi lưu ý cần hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Các vấn đề địa phương, người dân, doanh nghiệp vướng mắc cần tháo gỡ, chỉnh lý các quy định, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để có 'sân chơi' lành mạnh, bình đẳng ảnh 2

Luật Đất đai có hiệu lực sớm góp phần giải phóng nguồn lực đất đai.

Liên quan đến công tác lập pháp, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Do vậy, trong quá trình xây dựng luật, lãnh đạo Quốc hội luôn quán triệt tinh thần khách quan, không né tránh những nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách. Những vấn đề gì đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh thì sửa, còn những vấn đề gì chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào luật. Đặc biệt, trong mỗi dự án luật, phải rà soát thật kỹ lưỡng, thận trọng, xem có nhóm lợi ích cài cắm trong quá trình xây dựng luật hay không.

Liên quan đến nhiệm vụ cấp bách trong hoàn thiện thể chế, dự kiến tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 13 dự án luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực. Đề cập đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, có nhiều trường hợp “điều chỉnh quá tùy tiện theo tư duy nhiệm kỳ”. Cũng có những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ về lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khi điều chỉnh quy hoạch quá dễ dàng. Ông Tùng mong muốn, Luật Quy hoạch sẽ được chuẩn bị kịp và trình ra Quốc hội, để tháo gỡ vướng mắc chung thay vì sửa riêng trong luật chuyên ngành.

Trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn khẳng định, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển. Theo ông, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, nhưng việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Do vậy, yêu cầu đặt ra trong triển khai các đạo luật là phải tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; tạo lập "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng, minh bạch… Điều này đòi hỏi các bộ trưởng, trưởng ngành cần hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và phân công "rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm” trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Điểm đáng chú ý khác, Chính phủ vừa qua đã có cuộc làm việc để triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về phương án tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chủ trì xây dựng để trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các loại dự án này.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa rất đồng tình với chủ trương sớm trình Quốc hội ban hành nghị quyết để hồi sinh các dự án, đất đai có dính đến đại án. Bởi nếu không có cơ chế để gỡ vướng, dự án cứ đắp chiếu từ năm này sang năm khác, dẫn đến lãng phí nguồn lực vô cùng lớn. “Việc Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để gỡ vướng cho các loại dự án này là vấn đề cấp bách cần phải triển khai để khơi thông nguồn lực trong xã hội”, ông Hòa nhìn nhận.

MỚI - NÓNG