Tin học, ngoại ngữ sẽ không còn là gánh nặng
Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa rõ ràng, minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức. Có chứng chỉ chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch, gây tốn kém cho cán bộ, công chức, viên chức. “Xin hỏi bộ trưởng, vấn đề này có tồn tại hay không? Nếu có, bộ trưởng làm thế nào để khắc phục được tính hình thức này? Có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi xét nâng ngạch công chức, viên chức?”, ĐB Phúc chất vấn.
Trong khi đó, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu: Nhiều cử tri đặt dấu hỏi, có hay không chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phân tán theo tiêu chuẩn trùng lặp nội dung như hiện nay là để “nuôi các cơ sở đào tạo”, nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực, chưa gắn với yêu cầu thực tiễn? Bộ trưởng có thể chỉ đạo tổng rà soát, tích hợp các lớp đào tạo, bồi dưỡng để tiết kiệm thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước chi trả cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng này hay không? Trong khi đó, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) dẫn lời cử tri, bức xúc ví các loại văn bằng, chứng chỉ không khác gì “giấy phép con”. Đây cũng là những vấn đề nhức nhối mà báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh trong thời gian qua.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: “Qua dư luận, báo chí, phản ánh của cử tri cả nước và nhất là cán bộ, công chức, viên chức, tôi thấy rất phiền hà về việc văn bằng chứng chỉ, không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà quy trình bổ nhiệm phải có bằng cấp, tiêu chuẩn, điều kiện, tôi cũng thấy nhiều quá”. Theo ông Tân, quy định về việc này đã có từ năm 1993 đến bây giờ, nên phải sửa. “Một quyết định mà để hơn hai chục năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà, Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này”, ông Tân thẳng thắn.
Bị nhiều ĐB “truy” về chứng chỉ, văn bằng trong ngày chất vấn, ông Tân khẳng định, Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương không quy định gì thêm, ngoài thực hiện đúng các quy định của Đảng. “Tư lệnh ngành” Nội vụ cũng cam kết với Quốc hội, năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, Công chức sửa đổi, sẽ sửa ngay và thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa. Còn vấn đề kiểm soát sẽ có nhiều cách. Như tin học, ngoại ngữ bây giờ phải thi trên máy tính, bài làm sát hạch bằng tiếng Anh, không cần phải có văn bằng.
Ông Tân nói thêm, trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Đặc biệt thực hiện chủ trương Nghị quyết 26, tức là phải có một tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. “Chúng tôi sẽ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt được trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc với quốc tế. Anh đi hội thảo quốc tế nhiều, tổ chức các hội nghị, anh nghe nói tiếng Anh mà bắt phải phiên dịch hay sao?… Xin hứa với Quốc hội, vấn đề tin học, ngoại ngữ sẽ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức sau khi Luật Cán bộ, Công chức ban hành”, ông Tân nói.
“Không tìm ra người để tinh giản biên chế”
Chất vấn Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn con số báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu như con số này chính xác, đây là một điều rất đáng mừng. Chúng tôi đề nghị bộ trưởng cho biết, con số 0,63% nêu trên có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Và nếu không đúng, nguyên nhân xuất phát từ quy định về đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay đến từ có sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức?”, ĐB nêu.
Trả lời ĐB, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Tân khẳng định “đánh giá trên chưa chính xác”, còn cảm tính, nể nang. “Hơn 10 năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên, chưa có bản tự kiểm điểm nào tôi tự đánh giá mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc? Nhưng anh em nói, nếu chủ tịch, bí thư, bộ trưởng mà không hoàn thành xuất sắc thì chúng em làm gì có hoàn thành xuất sắc được?... Đánh giá cán bộ gì đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế, đây là một vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu, xem lại”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ.
Nhấn mạnh cán bộ, công chức phải thực sự là công bộc của dân, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, ông Tân cho biết, nhiều cơ quan, bộ, ngành được phân công công việc thường xuyên liên tục, phải làm việc đến tận 12 giờ đêm. “Tôi ví dụ như cơ quan Bộ Nội vụ, nhiều khi 10 giờ đêm đi qua, đèn vẫn sáng. Lúc 1 giờ sáng anh em vẫn còn làm việc. Tôi biết có cơ quan cán bộ làm việc không quản giờ giấc. Nhưng số lượng đó không nhiều. Người làm việc trách nhiệm, năng suất cần được hưởng thành quả tương xứng. Không thể lấy mức lương cào bằng như hiện nay, người ở nhà ngủ sớm bằng lương người thức làm việc đến 12 giờ đêm được”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Ảnh: Như ÝSai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất
“Sai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất trong các sai phạm khác. Theo tôi biết, có những người sai phạm trong tuyển dụng hiện đang là cán bộ cấp cao rồi. Việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm, phải theo từng tình huống xử lý cho phù hợp, đảm bảo nghiêm minh pháp luật, đảm bảo sự ổn định chính trị và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp”. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
Cùng với những lời hứa, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân liên tục nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Liên quan đến gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư hướng dẫn đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói “sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng và nhận trách nhiệm về việc này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng”.
Khi trả lời về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, ông nói: “Tôi bị Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình hai lần vì sự chậm trễ này”.
Photo: ..Nhiều cử tri đặt dấu hỏi có hay không chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phân tán theo tiêu chuẩn, trùng lặp nội dung như hiện nay là để nuôi các cơ sở đào tạo. Nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực, chưa gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Bộ trưởng có thể chỉ đạo tổng rà soát, tích hợp các lớp đào tạo, bồi dưỡng nói trên để tiết kiệm thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước không?”.
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng)
“Ý kiến này có đúng một phần, nhưng nói chung mục đích của văn bằng, chứng chỉ là chúng ta tuân thủ theo quy định của Đảng và Nhà nước trong Tiêu chuẩn 89- 90. Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương không hề đặt ra một tiêu chuẩn gì ngoài quy định của Đảng và Nhà nước. Bây giờ chứng chỉ nào chúng ta phải thi, chứng chỉ nào là bồi dưỡng, chứng chỉ nào đi học sau khi bổ nhiệm, chứng chỉ nào phải có trước khi bổ nhiệm là vấn đề chúng ta phải bàn. Chúng tôi xin nghiên cứu và tiếp thu ý kiến này”.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân