Đề án tiếng Anh tích hợp: Nhiều câu hỏi cần được làm rõ

Học sinh học trong phòng thí nghiệm
Học sinh học trong phòng thí nghiệm
TP - Đề án “Đổi mới dạy và học các môn Toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” ở lớp 1 và lớp 6 của Sở GD&ĐT TPHCM, thay thế cho chương trình tiếng Anh Cambridge được giảng dạy trước đó, đang vấp phải phản đối mạnh mẽ từ dư luận.

Đây là đề án do Sở GD&ĐT và Công ty EMG Education nghiên cứu và xây dựng. Theo đề án, các chuyên gia đã rà soát nội dung chương trình giảng dạy các môn của hai hệ thống giáo dục quốc gia Việt Nam và Anh để kết hợp những kiến thức trùng lặp, bổ sung kiến thức được học sâu hơn ở một trong hai chương trình và lược bỏ những phần kiến thức ít cần thiết, ít phù hợp… để thiết kế thành đề án này.

Cụ thể hơn, chương trình sẽ được giảng dạy theo khung chương trình các môn Toán, khoa học và tiếng Anh của nước Anh, xen kẽ với chương trình quốc gia Việt Nam. 

Về phương thức đánh giá, học sinh được đánh giá theo cả hai chuẩn của Việt Nam và Anh. Chi phí học tập cũng gần giống như học phí của chương trình tiếng Anh Cambridge trước đó.

Trả lời trên báo chí, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Chương trình tích hợp có nhiều ưu việt hơn, “tầm” cao hơn (thể hiện ở khía cạnh có nhiều “đầu ra”), phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của nhiều phụ huynh TPHCM: Muốn cho con học một chương trình quốc tế nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Còn chương trình Cambridge là ta bê nguyên xi của họ vào dạy cho học sinh của ta”. Tuy nhiên, sự thật có chính xác như vậy?

Đầu tiên, lý do chính cho việc áp dụng chương trình này không được nhắc đến. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do chính ít được biết đến là Trung tâm khảo thí quốc tế Cambridge (CIE) đã chính thức thông báo ngưng hợp tác với Công ty EMG. 

Theo quy định tại CIE Associates Handbook, ở điều khoản 14.3, có nêu rõ việc rút kiểm định một đối tác của CIE. Theo đó, đây là mức xử lý nặng nhất. Đối tác này sẽ bị hủy bỏ tư cách trung tâm đại diện và chấm dứt bất cứ hợp đồng nào giữa đối tác và CIE.

Sở GD&ĐT còn có công văn gửi các trường có giảng dạy chương trình tiếng Anh Cambridge với nội dung: CIE gửi các trường để thông báo chấm dứt chương trình là trái phép khi chưa thông qua Sở. Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc thông báo của CIE là nên làm và hoàn toàn có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, điều đáng nói là mặc dù được thông báo từ tháng 1/2014, đến tận lúc này, phụ huynh và học sinh học chương trình tiếng Anh Cambridge không hề biết được thông tin này từ Sở GD&ĐT và EMG. Thay vào đó, hai đơn vị này lại “âm thầm” thay thế bằng một chương trình dạy tiếng Anh mới mà không hề khảo sát xem phụ huynh và học sinh có đồng ý hay không.

Điều quan trọng hơn, chương trình này được nghiên cứu và áp dụng mà không dựa trên một chuẩn nào cụ thể. Theo một chuyên gia giáo dục Anh - Mỹ, dạy một chương trình theo chuẩn Bộ Giáo dục Anh quốc, nghĩa là học sinh phải qua kỳ thi được kiểm định của Cambridge hay Edexcel. Cũng không có chuyện Bộ Giáo dục Anh quốc cấp bằng nếu học sinh không thi chương trình tiếng Anh của hai tổ chức này.

Theo đại diện của CIE ưu tiên hàng đầu của CIE là đảm bảo học sinh không bị thiệt thòi bởi quyết định này. Vì vậy, CIE sẵn sàng cung cấp dịch vụ thi và hỗ trợ giáo viên cho học sinh ngay cả khi hợp đồng kết thúc.

Ngoài ra, trong chuyện này, vai trò của Sở GD&ĐT đối với học sinh hoàn toàn mờ nhạt. Với vai trò của Sở GD&ĐT, dư luận đặt câu hỏi vì sao Sở không định hướng cho phụ huynh những chương trình tiếng Anh phù hợp hoặc chủ động liên lạc với các tổ chức nước ngoài thực hiện chương trình hợp tác mà phải thông qua một công ty tư nhân như EMG Education? 

Chưa kể, theo đề án của Sở GD&ĐT về chương trình này, học sinh sẽ học môn Toán và các môn khoa học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vậy trong trường hợp học sinh học vài năm, vì một lý do nào đó chương trình này dừng lại như đã diễn ra với chương trình Cambrigde thì sẽ giải quyết như thế nào?

Sáng 23/6, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ tổ chức buổi họp báo về vấn đề này.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.