Trong mấy ngày qua, liên tiếp xuất hiện tình trạng bút phê lý lịch gây khó khăn cho người dân, như ở Hải Dương và mới đây là ở Hà Nội. Phải chăng có sự tùy tiện của cán bộ khi bút phê vào lý lịch của người dân, thưa ông?
Trước tiên chúng ta phải nhìn nhận, nếu những gia đình kia không chấp hành quy định của địa phương thì cũng cần phải có biện pháp nào đó giải quyết cho hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, nếu chỉ vì như thế mà phê vào lý lịch của người dân thì lại trở thành một câu chuyện khác.
Khi phê vào lý lịch với nội dung “chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”, có nghĩa là người dân chưa chấp hành liên tục trong một thời gian dài. Nhưng thực tế việc chưa chấp hành đó của người dân chỉ là một vấn đề cụ thể ở vào một thời điểm nhất định nào đó. Vậy mà chỉ vì một vài việc người dân không chấp hành, mà lại bút phê như vậy thì có đúng không, có đảm bảo công bằng không? Có thể người ta không chấp hành ở việc này, nhưng những việc khác, chỗ khác họ lại chấp hành tốt hơn những người khác thì sao?
Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn cụ thể về việc xác nhận lý lịch rồi. Chính quyền địa phương chỉ việc xác nhận thôi, còn những vấn đề kia liên quan đến tính cộng đồng thì để cộng đồng xử lý. Chính quyền địa phương phải chấp hành quy định sao cho đầy đủ.
Là cán bộ ở địa phương, anh đồng thời cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân thực hiện tốt. Còn những sự việc như vừa qua làm người ta có cảm giác mang tính chất tư thù, đưa vào lý lịch để triệt con đường đi tiếp của họ, hay của con cháu họ, như thế là không được.
Lời phê lý lịch gắn liền và đi theo mỗi người trong một thời gian dài. Theo ông, việc bút phê xấu vào lý lịch như vậy ảnh hưởng như thế nào đến bản thân người đó cũng như gia đình họ?
Bình thường thì ít ai để ý đến câu chuyện lý lịch. Thế nhưng khi có vấn đề gì xảy ra mà lục lại mới thấy rất ghê gớm. Lúc đó có thể bị nâng quan điểm lên là với một lý lịch như thế, chính quyền địa phương xác nhận như thế thì chẳng còn gì nữa cả. Chỉ vì vài trăm nghìn, hay vài triệu chưa đóng mà lại phê không chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước thì rất gay go, cứ như phản động vậy. Tưởng chuyện nhỏ, nhưng đó lại là cả một vấn đề lớn.
Cán bộ địa phương cần phải làm theo hướng dẫn, chứ không thể dựa vào đặc điểm của địa phương mà phê vào lý lịch được. Còn những gì vướng mắc, bất cập phải rà soát, đề đạt lên trên để có hướng xử lý khắc phục.
Các trường hợp vừa qua, chỉ sau khi cán bộ địa phương bút phê rồi mới nhận ra cái sai, kèm lý do chưa nắm được vấn đề. Như vậy có cần thiết phải tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, để người dân không bị làm khó mỗi khi tìm đến cơ quan công quyền?
Đương nhiên rất cần thiết. Đặc biệt ở các địa phương càng cần tập huấn rất kỹ cho cán bộ tư pháp, hộ tịch, để họ tham mưu cho các cấp lãnh đạo, và những ý kiến đó phải được cấp trên tôn trọng. Làm sao để việc thực hiện các thủ tục đó phải theo bài bản, theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không được áp đặt ý kiến cá nhân vào lý lịch.
Lý lịch đi theo người ta cả đời, còn việc không chấp hành kia cũng chỉ là hiện tượng ở một thời điểm nào đó. Cán bộ địa phương phải tạo điều kiện tối đa cho con em địa phương mình. Ở đây không dung túng cho cái xấu nhưng phải xem xét hoàn cảnh cụ thể của người dân để có sự đồng cảm, chia sẻ.
Cảm ơn ông!
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc xác nhận sơ yếu lý lịch: UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân. Cân nhắc khi bỏ phiếu lý lịch tư pháp Ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch Tư pháp. Luật hiện hành quy định, có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp được cấp. Khác với phiếu lý lịch tư pháp số 1, phiếu số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa và chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Tuy nhiên, dự thảo luật đã bỏ quy định về cấp phiếu số 2. Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc việc bỏ quy định này vì cho rằng, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng để hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết và thực tiễn thi hành luật thời gian qua không có vướng mắc gì. Hơn nữa, nếu bỏ quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho công dân, ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu chính đáng của đa số công dân không có án tích có nhu cầu du học, kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động hoặc định cư ở nước ngoài. Luân Dũng