ĐBQH Lê Như Tiến: Chưa thỏa mãn với chống tham nhũng

Đại biểu Lê Như Tiến.
Đại biểu Lê Như Tiến.
TP - Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 20/5, phóng viên Tiền Phong ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

ĐBQH Lê Như Tiến đánh giá: Báo cáo bổ sung tình hình KTXH được Chính phủ đánh giá sát thực tế và khá kỹ, nhất là phần kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, vấn đề phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, tôi và nhiều đại biểu khác thấy chưa thỏa mãn. Lẽ ra Chính phủ phải chỉ rõ được nguyên nhân vì sao phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu? Khi đã tìm ra nguyên nhân thì hệ thống giải pháp từ nay về sau như thế nào? Trách nhiệm người đứng đầu ra sao?... Chúng ta có cả bộ máy cơ quan phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương, rồi cả Luật Phòng chống tham nhũng. Nghĩa là căn cứ pháp lý và tổ chức bộ máy không thiếu, nhưng tại sao vấn đề này lại chưa bứt phá lên được?

Bên cạnh đó, vấn đề được cử tri quan tâm, lo lắng là sản phẩm đầu ra cho nông sản không tiêu thụ được, điển hình như tình trạng dưa hấu của người dân Quảng Ngãi. Giá bán thường chênh lệch gấp 10 lần, khi người dân chỉ bán 2.000 đồng nhưng nhiều nơi lại bán 18-20.000 đồng/kg cho người tiêu dùng. Như vậy vướng mắc ở đây là khâu phân phối trung gian, cần phải xem lại. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương và ở chừng mực nào đó là cơ quan quản lý giá.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên: Phải theo đúng quy luật thị trường

ĐBQH Lê Như Tiến: Chưa thỏa mãn với chống tham nhũng ảnh 1

Trước tiên, trong câu chuyện này chúng ta phải xem lại phương thức sản xuất của bà con nông dân, như trồng hành tím ở Sóc Trăng, trồng dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã phù hợp trong nền kinh tế quốc tế và thị trường trong nước chưa? Bà con nông dân đã phối hợp, liên kết với nhau, với các mô hình kinh tế khác để hình thành chuỗi cung ứng trên thị trường nội địa chưa?...

Nếu chúng ta cứ nhắm mắt lại sản xuất theo ý muốn thì quy luật của nền kinh tế thị trường sẽ “đè” ngay vào người sản xuất khi cung nhiều, cầu giảm thì giá phải hạ. Chuyện này là đương nhiên!  Vì thế chúng ta phải hết sức bình tĩnh, ngồi xem xét lại trách nhiệm người nông dân, cơ quan quản lý đến đâu.

MỚI - NÓNG