ĐBQH: Làm rõ trách nhiệm vụ Cục phó hải quan bị tố

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - “Nếu Tổng cục Hải quan không chấp hành nghiêm thì Ban cán sự Đảng phải xem lại văn bản chỉ đạo, cho kiểm tra, thanh tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Trên chỉ đạo dưới phải chấp hành nghiêm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm trước những “chuyện lạ quanh Cục phó hải quan bị tố”.

Chưa làm rõ trách nhiệm là không thực hiện đúng quy định

Trước đó, báo Tiền Phong đã đưa tin: Mặc dù được giao giúp Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Chi cục Hải quan cửa khẩu Mường Khương, tuy nhiên, sau khi 2 công chức của chi cục này bị kết án 32 năm tù, truy nộp 514 triệu đồng tiền nhận hối lộ, Cục phó Cục Hải quan Lào Cai Nguyễn Việt Quang vẫn “nghiễm nhiên yên vị” mà không hề bị xử lý trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 107/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong xoay quanh sự việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định: Trong trường hợp cán bộ xảy ra sai phạm, trước tiên cơ quan đơn vị đó phải làm rõ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân đó. Để từ đó xem mức độ hành vi sai phạm đến đâu, mức độ thế nào, có đến mức thi hành kỷ luật bằng các hình thức, hay có đến mức phải đưa ra truy tố xét xử hay không? Chỉ đến khi thực hiện vấn đề đó xong, đã có kết luận rõ ràng, lúc đó mới tiến hành phân công nhiệm vụ mới, hay điều chuyển, cất nhắc...

“Quy định hiện nay là như thế, còn nếu chưa kiểm điểm làm rõ trách nhiệm ở cơ quan đơn vị đó mà lại điều động, phân công làm nhiệm vụ khác thì không thực hiện đúng quy định, quy trình của Đảng và Nhà nước”, ông Hòa nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, sau khi Cục trưởng Nguyễn Khánh Quang được rút về Tổng cục Hải quan (giữ chức Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu) thì một điều “lạ lùng” nữa là Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định 1919, giao ông Nguyễn Việt Quang phụ trách Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cho đến khi bổ nhiệm được cục trưởng.

Về việc này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, ở đây có trách nhiệm của Tổng cục Hải quan, phải xử lý vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu phụ trách để xảy ra sai phạm đó trước khi phân công nhiệm vụ mới, hoặc phân công phụ trách.

“Nếu không thực hiện như vậy thì chưa thực hiện đúng quy trình của Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý cán bộ”, ông Hòa cho hay.

Làm rõ trước khi phân công phụ trách

Trước những lùm xùm xảy ra, Ban cán sự Đảng, Bộ Tài chính đã có kế hoạch triển khai thực hiện kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Đáng chú ý, Ban cán sự Đảng Bộ này nêu rõ: “Đề nghị Ban thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hải quan chỉ đạo việc kiểm điểm trách nhiệm, thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân có liên quan (bao gồm cả xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định do buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra 2 đảng viên vi phạm pháp luật, bị kết án tù về hành vi tham nhũng.

Cho ý kiến về việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa khẳng định: Khi Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ra yêu cầu như vậy thì cần phải “nghiêm chỉnh chấp hành”.

“Nếu Tổng cục Hải quan không chấp hành nghiêm thì Ban cán sự Đảng phải xem lại văn bản chỉ đạo của mình, cho kiểm tra, thanh tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu Tổng cục Hải quan, để thực hiện quy trình công tác cán bộ. Trên chỉ đạo dưới phải chấp hành nghiêm”, ông Hòa nhấn mạnh.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, đầu tháng 9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, yêu cầu xác minh, xử lý đơn thư của đại diện Cty cổ phần Thương mại và Dịch vụ T.Đ (trụ sở ở TP. Móng Cái, Quảng Ninh), doanh nghiệp chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai.

Nội dung đơn tố cáo ông Cục phó Nguyễn Việt Quang đã ép doanh nghiệp phải nộp 100 triệu đồng/container, xuất hàng tại lối mở vào ban đêm. “Thấy chúng tôi kêu giá làm luật quá cao, ông Quang cho người thân của mình là N.T.T và V.B.T – nhân viên hải quan đứng ra làm luật, thỏa thuận giá từ 100 xuống 80 triệu đồng/container…”, lá đơn có đoạn.

Trước sự việc này, theo ông Phạm Văn Hòa, phải tạm dừng ngay việc bổ nhiệm phụ trách Cục Hải quan để làm rõ đơn tố cáo khi đơn đó có địa chỉ, có tố cáo hành vi sai phạm của cá nhân cụ thể như vậy.

“Cần phải làm rõ trước khi bổ nhiệm, phân công phụ trách. Còn nếu chưa làm rõ, dư luận sẽ đặt vấn đề xung quanh đó có vấn đề này, vấn đề khác không mà lại phân công nhiệm vụ như thế?

Tôi cho rằng cơ quan đứng đầu, cơ quan chủ quản trong trường hợp này làm chưa đúng, phải coi lại việc việc này. Cần phải xem có lợi ích nhóm hay không? Có lợi ích cục bộ, có sự bao che hay không, hoặc có sự nể nang, hay tác động của ai đó để làm việc này hay không?”, ông Hòa nêu.

Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng, Hải quan là một trong những đơn vị nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, cho nên khi có thông tin như vậy càng phải làm thận trọng, khách quan, kỹ càng để chứng minh với dư luận quần chúng rằng, Cục hải quan, Tổng cục Hải quan trong sạch, tốt, để tạo sự tín nhiệm cũng như niềm tin của cơ quan đơn vị và quần chúng nhân dân.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.